Khoa học - Công nghệ

Trung Quốc hé lộ loại vật liệu được sử dụng để xây nhà trên Mặt Trăng

Trung Quốc hé lộ loại vật liệu được sử dụng để xây nhà trên Mặt Trăng - 1

Trung Quốc hé lộ loại vật liệu được sử dụng để xây nhà trên Mặt Trăng - 1

Trung Quốc hé lộ loại vật liệu được sử dụng để xây nhà trên Mặt Trăng (Ảnh: CCTV).

Trong một phóng sự được thực hiện bởi Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), các nhà khoa học Trung Quốc đã công bố vật liệu để xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng trong tương lai.

Đoạn clip phóng sự được ghi lại cho thấy nhóm nghiên cứu tại Trung tâm đổi mới công nghệ quốc gia ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, cầm trên tay khối liên kết có màu đen, ngoại hình hơi giống đá bazan tìm thấy trên bề mặt Mặt Trăng.

GS Zhou Cheng, đại diện nhóm nghiên cứu, cho biết những viên gạch này được tạo ra bằng cách mô phỏng thành phần của đất đá Mặt Trăng. Tại đó, khối vật liệu kết thành hình dạng bằng cách ép nóng bằng máy ép chân không ở nhiệt độ trên 1.000 độ C.

“Sức chịu nén của những ‘viên gạch regolith Mặt Trăng’ này cao gấp 3 lần so với gạch và khối bê tông thông thường, có khả năng chịu được hơn một tấn trên một cm vuông”, GS Zhou Cheng chia sẻ.

Chuyên gia này cho biết thêm, các khối vật liệu khớp với nhau theo thiết kế “mộng và chốt”, để có thể lắp ráp thành các phần đế mà không cần tới đinh hoặc keo. Mỗi khi 2 khối bất kỳ được kết nối với nhau, chúng sẽ tạo thành một hình vuông có độ dài 10 cm, cao 3 cm, nặng khoảng 1 kg.

Trung Quốc hé lộ loại vật liệu được sử dụng để xây nhà trên Mặt Trăng - 2

Trung Quốc có kế hoạch xây dựng một trạm nghiên cứu khoa học quốc tế trên Mặt Trăng được thực hiện vào năm 2040 (Ảnh: Getty).

Theo báo cáo, các nhà nghiên cứu đã có thể tạo ra các khối chỉ bằng cách sử dụng đất mô phỏng trên Mặt Trăng. Như vậy, việc xây dựng các công trình trên Mặt Trăng có thể được thực hiện tại chỗ, giúp giảm thiểu nhu cầu phải mang các bộ phận xây dựng từ Trái Đất.

Trong những tháng tới, những viên gạch này sẽ được vận chuyển đến trạm vũ trụ Thiên Cung thông qua tàu vũ trụ chở hàng Thiên Châu 8 (Tianzhou 8).

Tại đây, vật liệu sẽ trải qua các thí nghiệm phơi nhiễm trong không gian. Chuyến đi này sẽ kiểm tra hiệu suất của chúng về mặt cơ học, nhiệt động lực học và khả năng chống bức xạ.

Các thử nghiệm này rất quan trọng để xác định xem liệu vật liệu có thể chịu được sự thay đổi nhiệt độ khắc nghiệt ra sao trên bề mặt Mặt Trăng, bức xạ vũ trụ và tác động dù là nhỏ nhất từ các thiên thạch.

Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ đưa người lên Mặt Trăng vào năm 2030. Cùng với đó là ý tưởng xây dựng một trạm nghiên cứu khoa học quốc tế trên Mặt Trăng được thực hiện vào năm 2040.

Đây sẽ là nơi con người trú chân, tiến hành các thí nghiệm khoa học đánh giá môi trường không gian và địa chất tại Mặt Trăng.

Shares:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *