Rạng sáng 4/11, tàu vũ trụ đã đưa các phi hành gia Ye Guangfu, Li Cong và Li Guangsu của sứ mệnh Thần Châu 18 (Shenzhou 18) hạ cánh an toàn tại bãi đáp Dongfeng, miền Bắc Trung Quốc.
Theo Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc (CNSA), cả 3 phi hành gia đã sinh sống và làm việc trên Trạm vũ trụ Thiên Cung (Tiangong) của Trung Quốc kể từ 25/4 năm nay. Nghĩa là họ đã dành hơn 6 tháng để làm việc ngoài không gian.
Đây là lần hiếm hoi các phi hành gia hạ cánh vào ban đêm, trong điều kiện thiếu sáng. Điều này khiến nhóm quản lý sứ mệnh phải sử dụng ống kính hồng ngoại để theo dõi diễn biến, cũng như xác định vị trí khoang tàu.
Trước khi rời trạm vũ trụ, chỉ huy Ye Guangfu và các thành viên phi hành đoàn đã thực hiện một loạt các thí nghiệm khoa học trong thời gian lưu trú trên trạm Thiên Cung, bao gồm nghiên cứu cách thức hoạt động của các vi khuẩn cổ đại.
Họ cũng đã thực hiện một chuyến đi bộ ngoài không gian, thiết lập kỷ lục quốc gia, tại bên ngoài trạm vũ trụ vào tháng 5.
Tới tháng 6, họ tiếp tục thực hiện một hoạt động khác để lắp đặt tấm chắn bảo vệ, nhằm chống lại các mảnh vỡ trôi dạt trong không gian.
Ye Guangfu gần đây cũng đã trở thành phi hành gia đầu tiên của Trung Quốc vượt qua cột mốc 365 ngày ngoài không gian. Trước đó, ông là thành viên của sứ mệnh Thần Châu 13, thực hiện vào năm 2021-2022.
Trước khi 3 phi hành gia thuộc sứ mệnh Thần Châu 18 rời Trạm Thiên Cung, họ cũng đã có vài ngày làm việc cùng 3 thành viên khác thuộc sứ mệnh Thần Châu 19, cập bến trạm ngày 30/10.
Khoảng thời gian ngắn ngủi này đã thiết lập kỷ lục mới trong ngành vũ trụ của xứ sở gấu trúc, khi lần đầu tiên có 6 người mang quốc tịch Trung Quốc hoạt động ngoài vũ trụ.
Trung Quốc có ý định giữ Trạm Thiên Cung có kích thước bằng khoảng 20% so với Trạm vũ trụ quốc tế ISS, và luôn có người tiếp quản công việc trên trạm trong ít nhất một thập kỷ.
Các quan chức gần đây đã công bố kế hoạch mở rộng trạm vũ trụ thành hình chữ T kép, bằng cách phóng và lắp ghép thêm 3 mô-đun mới.
Họ cũng sẽ đưa một kính viễn vọng không gian loại Hubble vào quỹ đạo, sau đó kết nối với Trạm Thiên Cung để thực hiện công tác bảo trì và sửa chữa.