Khoa học - Công nghệ

Giải pháp cho tình trạng ô nhiễm ở Việt Nam, nhìn từ bài học Bắc Kinh

Giải pháp cho tình trạng ô nhiễm ở Việt Nam, nhìn từ bài học Bắc Kinh - 1

Giải pháp cho tình trạng ô nhiễm ở Việt Nam, nhìn từ bài học Bắc Kinh - 1

Bắc Kinh, một trong những thành phố từng được cho là ô nhiễm nhất thế giới, khi luôn chìm trong khói bụi dày đặc và bầu không khí mờ đục, nay đã có những thay đổi khiến ai cũng phải bất ngờ.

Bầu trời trong xanh giữa nắng hè, lượng bụi than, bụi mịn giảm mạnh tới 60% trong 10 năm, mức độ ô nhiễm giảm đáng kể, đời sống người dân được cải thiện.

Đó là những thông tin tích cực, nhưng điều đáng lo ngại là Việt Nam có thể đi vào “vết xe đổ” mà thành phố 21 triệu dân từng trải qua.

Gần một tuần qua, không khí ở Hà Nội luôn trong tình trạng mù mịt vào buổi sáng và chiều tối. Chỉ số ô nhiễm nhiều ngày ở top 5 thế giới, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Trong ngày 13/11, ứng dụng IQ Air cảnh báo chất lượng không khí ở Hà Nội ở mức 205, ngưỡng rất có hại cho sức khỏe, và đứng thứ 3 trên thế giới về mức độ ô nhiễm, chỉ sau Delhi (Ấn Độ) và Lahore (Pakistan).

Trong khi đó, không một thành phố nào tại Trung Quốc còn nằm trong top 5 những khu vực có bầu không khí ô nhiễm. Bắc Kinh, thành phố ô nhiễm nhất thế giới vào khoảng 10 năm trước, giờ đây chỉ xếp hạng 18 trong bảng xếp hạng trực tiếp của IQ Air.

Ô nhiễm ở các thành phố lớn: Nguyên nhân từ đâu?

Giải pháp cho tình trạng ô nhiễm ở Việt Nam, nhìn từ bài học Bắc Kinh - 2

Thành phố Bắc Kinh chìm trong sương mù sau cơn bão cát (Ảnh: Reuters).

Theo Guardian, vào năm 2018, TS Kaspar Rudolf Dällenbach và một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã thiết lập một trong những địa điểm đo ô nhiễm không khí tinh vi nhất thế giới.

Thành phần chính của hệ thống là thiết bị phân tích ô nhiễm không khí ở cấp độ phân tử, có khả năng theo dõi những thay đổi trong các hạt chứa carbon gần như theo thời gian thực.

Ngoài ra, một loạt cảm biến siêu nhạy cũng được tích hợp bên trong hệ thống, nhằm phân tích, đánh giá, xếp hạng mức độ ảnh hưởng của các yếu tố được cho là tác động đến tình trạng ô nhiễm, như giao thông, khói bụi từ than hóa thạch, khí hậu, nhiệt độ, thiên tai…

Được đặt trên mái nhà của Đại học Công nghệ Hóa học Bắc Kinh, hệ thống phân tích ô nhiễm không khí được kỳ vọng sẽ giải được bài toán mà nhiều thành phố lớn trên thế giới đang và sẽ phải đối mặt.

Và quả thực, điều được các nhà khoa học rút ra khiến chúng ta không khỏi bất ngờ: Tình trạng ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh hóa ra bắt nguồn từ bên ngoài phạm vi thành phố.

“Mặc dù chất lượng không khí liên tục được cải thiện trong thập kỷ qua, chúng tôi thấy rằng Bắc Kinh vẫn bị ảnh hưởng bởi các đợt ô nhiễm không khí”, TS Dällenbach cho biết. “Hóa ra, từ trước khi khói bụi hình thành ở Bắc Kinh, các chất ô nhiễm đã được vận chuyển qua hàng trăm km, khiến đây trở thành vấn đề mang tính khu vực”.

Vào mùa đông, nhóm nghiên cứu phát hiện tình trạng ô nhiễm hạt xuất phát từ việc đốt nhiên liệu rắn để sưởi ấm, chủ yếu là gỗ và than.

Tại đó, các giai đoạn ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất ở Bắc Kinh chủ yếu bắt nguồn từ Thiên Tân, Hà Bắc và các tỉnh miền núi phía tây.

Vào mùa hè, luồng không khí thổi tới Bắc Kinh từ phía nam và gây ô nhiễm chủ yếu do khí thải đô thị, bao gồm dung môi và hóa dầu từ giao thông và các ngành công nghiệp. Chúng được cho là xuất phát từ vành đai Tây An- Thượng Hải, và khu vực cách đó gần 1.000 km.

Theo các chuyên gia, để giải quyết vấn đề này, trước hết cần có các biện pháp nghiêm ngặt nhằm kiểm soát các nguồn phát thải trên quy mô lớn, đặc biệt là những khu vực đông dân nhất hành tinh.

Kiểm soát nghiêm các nguồn phát thải

Giải pháp cho tình trạng ô nhiễm ở Việt Nam, nhìn từ bài học Bắc Kinh - 3

Trung Quốc đã có những tiến bộ trong việc cải thiện chất lượng không khí, nhưng một bộ phận người dân vẫn sống ở những khu vực bị ô nhiễm theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (Ảnh: Alamy).

Để cải thiện chất lượng không khí, giới chức Trung Quốc hiểu rằng họ phải chặn tận gốc những nguồn phát thải.

Hàng loạt biện pháp và chính sách mới nhằm kiểm soát nghiêm ngặt và hợp lý tổng lượng than sử dụng và hạn chế các dự án phát thải cao để cải thiện chất lượng không khí đã được đề ra.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, Trung Quốc muốn giảm 10% mật độ các hạt nguy hiểm trong không khí được gọi là PM2.5 so với năm 2020 và giữ số ngày bị ô nhiễm nghiêm trọng xuống dưới 1%.

Đối với kiểm soát khí thải do các phương tiện giao thông, Bắc Kinh hạn chế số lượng phương tiện giao thông. Song song với đó là thiết lập các hệ thống giao thông xanh và khuyến khích người dân sử dụng xe điện để giảm lượng khí thải carbon.

Để đảm bảo cho quá trình chuyển đổi này, các trạm sạc nhanh dự kiến sẽ có ở ít nhất 80% khu vực đường cao tốc, khu vực trọng điểm gồm Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải… và không dưới 60% ở các khu vực khác vào năm 2025.

Tập trung chuyển đổi carbon dioxit

Giải pháp cho tình trạng ô nhiễm ở Việt Nam, nhìn từ bài học Bắc Kinh - 4

Trung Quốc đã có thể chuyển đổi carbon dioxit thành những hợp chất hydrocacbon “có lợi” (Ảnh: Getty).

Bên cạnh việc cắt giảm các nguồn phát thải, thì những hệ thống chuyển đổi carbon dioxit của Trung Quốc cũng được xem là cột mốc trong việc khai thác khí nhà kính, từ đó giúp bầu không khí trở nên trong lành hơn.

Hệ thống này sẽ hoạt động như những “máy lọc không khí khổng lồ”, phá vỡ các liên kết hóa học của carbon dioxit. Sau đó, hệ thống bổ sung hydro để tạo ra nhiều loại hydrocacbon có giá trị khác nhau, chẳng hạn như axit formic, metanol, etanol, ankan hoặc olefin.

Đầu năm 2024, các nhà nghiên cứu tại Đại học Khoa học và Công nghệ Huazhong (HUST) ở Vũ Hán đã giới thiệu công trình Hệ thống điện phân, có thể chuyển đổi carbon thành axit formic với hiệu suất hơn 93%.

Thành phẩm của hệ thống chuyển đổi có nhiều ứng dụng trong hóa chất, năng lượng, nông nghiệp và các lĩnh vực khác.

Tối ưu năng lượng gió và mặt trời

Giải pháp cho tình trạng ô nhiễm ở Việt Nam, nhìn từ bài học Bắc Kinh - 5

Tua bin gió MySE 16-260 lớn nhất thế giới do Mingyang Smart Energy chế tạo (Ảnh: MSE).

Các chuyên gia đều cho rằng, để hướng tới một tương lai lâu dài và bền vững, nhân loại cần tối ưu nguồn năng lượng mặt trời và năng lượng gió.

Trung Quốc, với lợi thế từ diện tích lãnh thổ và đường bờ biển dài, đã nhanh chóng tối ưu hóa để dẫn đầu thế giới khi chiếm 56% công suất lắp đặt các hệ thống năng lượng gió, tăng mạnh so với mức 37% được ghi nhận năm 2018.

Năm 2022, công suất điện gió ngoài khơi tích lũy của Trung Quốc đã tăng lên khoảng 31 gigawatt, lần đầu tiên vượt qua châu Âu để giành vị trí số một toàn cầu.

Giữa năm 2023, Trung Quốc khởi động thành công tua bin gió MySE 16-260 với kích thước lớn nhất thế giới, được lắp tại trang trại gió ngoài khơi gần tỉnh Phúc Kiến.

Tua bin khổng lồ cao 152 mét, nặng 54 tấn, với mỗi cánh quạt dài 123 mét. Khi đi vào hoạt động, các cánh quạt của tua bin bao phủ một diện tích gần 50.000 mét vuông, tạo ra công suất 16 megawatt.

Về năng lượng mặt trời, Trung Quốc vào năm 2023 đã thiết lập kỷ lục khi đạt tới con số 216,9 gigawatt, vượt qua Mỹ để trở thành thị trường năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới.

Một loạt những thành công của Trung Quốc trong việc kiểm soát khí thải không chỉ giúp ích cho các thành phố và người dân nước này, mà còn đóng vai trò như một cú hích lớn cho các nền kinh tế toàn cầu.

Shares:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *