Trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học và Công nghệ VinFuture 2024, Giáo sư Yafang, Giám đốc Khoa Hóa học Aerosol, Viện nghiên cứu Hóa học Max Planck (Đức) đã có buổi chia sẻ với báo chí về tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam.
Bà đang chứng kiến tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam với tình hình khá nghiêm trọng. Việt Nam đang có những giải pháp để cải thiện nhưng gặp rất nhiều khó khăn, vậy bà có thể chia sẻ một số kinh nghiệm hoặc kiến thức để có thể giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí tại Việt Nam?
– Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều mong muốn giảm được ô nhiễm và mặc dù tôi tiến hành nghiên cứu ở Đức thế nhưng tôi cũng có rất nhiều những hoạt động để cùng tham gia giải quyết các vấn đề ô nhiễm không khí ở cả Trung Quốc.
Hiện chúng ta có thể thấy các thành phố bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí, mà ô nhiễm không khí kết hợp từ nhiều yếu tố khác nhau trong đó có vấn đề phát thải, vấn đề khí tượng.
Tất cả những điều đó sẽ ảnh hưởng tới các khu vực đô thị. Tôi nghĩ rằng một trong những vấn đề mà chúng ta có thể làm đó là chúng ta hãy tính toán giảm phát thải và trong đó có các yếu tố phát thải liên quan tới khí nhà kính CO2.
Đặc điểm chung là CO2 có thể phát thải từ các nguồn khác nhau, cho nên chúng ta cùng nhau chung tay giảm bớt phát thải, chúng ta sẽ giảm bớt được vấn đề do carbon gây ra.
Thứ hai là vấn đề liên quan tới quá trình gọi là carbon đen, tức là trong quá trình đốt cháy, ví dụ từ hoạt động công nghiệp, giao thông vận tải, sẽ có ảnh hưởng tới bầu không khí ở các đô thị và không chỉ giới hạn trong đô thị nó có thể lan tỏa ra ngoài khu vực đô thị và ảnh hưởng tới cuộc sống.
Ô nhiễm không khí không chỉ là vấn đề ở các đô thị mà còn là vấn đề ở khu vực cũng như toàn cầu. Cho nên vấn đề này chúng ta cần phải có sự chung tay.
Bà đã từng tham gia vào việc giải quyết vấn đề ô nhiễm ở Bắc Kinh, được cơ quan môi trường thế giới coi là một hình mẫu trong việc cải thiện chất lượng không khí. Bà có thể cho biết những kinh nghiệm của Bắc Kinh có thể áp dụng tại Hà Nội cũng như các đô thị ở Việt Nam?
– Với kinh nghiệm của chúng tôi, trong ô nhiễm không khí có một đặc điểm là có những hạt nhỏ li ti và những hạt nhỏ đó có thể tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau, không chỉ xuất phát từ nguồn phát thải sơ cấp mà còn có thể tồn tại dưới dạng khí và dạng khí đó có thể tỏa ra trong bầu khí quyển.
Vấn đề của chúng ta là làm thế nào để xóa bỏ tiền chất dẫn tới các hạt nhỏ đó cũng như khí gây ô nhiễm đó, ví dụ như oxit nito NOX hoặc những chất hữu cơ dễ bay hơi mà chúng ta gọi là chất VOC.
Chúng ta sẽ thấy nếu như chúng tồn tại ở nồng độ cao sẽ gây ảnh hưởng tới không khí và đồng thời tác động, làm oxy hóa các bề mặt.
Nhiệm vụ là chúng ta cần phải xây dựng các chiến lược kiểm soát và xanh hóa môi trường. Ví dụ như cần xây dựng một hệ thống cây xanh và về lâu dài, phải đặt ra các mục tiêu về NOX.
Chúng ta đều biết rằng ô nhiễm không khí như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu tới cơ thể. Đó là điều chúng ta cần phải làm.
– Hiện thành phố Hà Nội đang có chương trình thí điểm các vùng phát thải thấp. Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm về việc triển khai các vùng phát thải thấp ở một số quốc gia trên thế giới trong đó có Trung Quốc?
– Ví dụ cụ thể như Trung Quốc, với điều kiện khí hậu thời tiết vào mùa đông sẽ không thuận lợi lắm cho nên những tầng gây ô nhiễm sẽ duy trì ở tầng thấp.
Vậy làm thế nào để có thể giảm bớt được quá trình đốt nhiên liệu trong nhóm những người tiêu dùng và giảm xuống mức thấp?
Tôi nhớ khoảng năm 2013 hay 2015, ở Trung Quốc, chúng tôi đã có những nỗ lực để có thể giảm phát thải do quá trình đốt cháy ở trong dân cư bằng cách khuyến khích chuyển sang sử dụng những loại như khí tự nhiên thì sẽ sạch hơn và có lợi cho không chỉ bầu không khí ở ngoài nhà mà ngay ở trong nhà nữa.
Chúng tôi thấy rằng trong trường hợp nếu chúng ta chỉ nhắm vào nỗ lực để giảm phát thải thôi thì còn ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế. Bây giờ chúng ta làm thế nào để có thể vừa kết hợp được cả giảm phát thải và phát triển kinh tế.
Chúng ta sẽ phải hướng tới sử dụng những năng lượng sạch hơn và từ đó cũng có thể tạo thêm được công ăn việc làm. Một phương án của chúng tôi đó là sử dụng các loại xe điện cũng giảm bớt được quá trình đốt cháy và đảm bảo sạch hơn, trong khi vẫn duy trì được phát triển kinh tế, sản xuất.
Với phương pháp này thì người dân sẽ đối diện những khó khăn gì trước khi áp dụng và để có được môi trường sạch sau này thì người dân phải vượt qua những khó khăn gì từ kinh nghiệm đó?
– Tôi lấy ví dụ, Chính phủ sẽ phải nỗ lực rất nhiều không chỉ về vấn đề nguồn lực tài chính mà đồng thời cần phải có những chiến dịch truyền thông, giáo dục để thay đổi về tư duy để mọi người có thể hiểu được rằng nếu như họ làm như vậy sẽ giúp nâng cao hơn nữa chất lượng không khí và từ đó có lợi cho bầu không khí trong gia đình và ngoài xã hội.
Bên cạnh đó, muốn làm được hay muốn sử dụng năng lượng sạch thì phải có sẵn năng lượng sạch để cung cấp cho người dân. Chúng tôi phải tính toán tới nguồn cung năng lượng sạch.
Trong thời gian tới, bà có dự định hợp tác hay kế hoạch hợp tác gì với các nhà khoa học ở Việt Nam và các dự án cụ thể đối với các cơ quan bộ ngành ở Việt Nam liên quan đến vấn đề về giảm thiểu ô nhiễm không khí không?
– Hiện giờ chúng ta thấy với lĩnh vực về ô nhiễm không khí hay khí hậu, môi trường là vấn đề đòi hỏi phải có sự hợp tác. Bởi vì đây không phải vấn đề ở một địa phương nào mà là vấn đề của khu vực và toàn cầu.
Bản thân tôi hiện chưa có cơ hội để có thể hợp tác nhiều với phía Việt Nam, tuy nhiên tôi hi vọng rằng qua những sự kiện như thế này của VinFuture, chúng ta sẽ có những cơ hội để có thể được tiếp xúc, trao đổi với nhiều chuyên gia và giáo sư, như vậy có thể mở những cánh cửa trong tương lai và đặc biệt là tôi có một người bạn ở Trung Quốc, luôn sẵn sàng hỗ trợ và cởi mở.
Bên cạnh đó chúng ta có các quỹ châu Á, đấy cũng là những kênh mà luôn luôn sẵn sàng để làm về khí hậu và môi trường.
Theo như kinh nghiệm của bà, một người làm việc lâu năm trong lĩnh vực khí hậu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên thế giới, theo bà chi phí đó có đắt đỏ không và đấy có phải là thách thức với Việt Nam trong tương lai gần không? Bà có gợi ý gì đối với phía chính phủ Việt Nam và các cơ quan chức năng ở Việt Nam không?
– Như tôi nói lúc trước CO2 hoặc một số vấn đề nhà kính khác thực ra cũng là một lĩnh vực khá giống nhau cho nên bức tranh ở Trung Quốc cũng khá tương đồng. Chúng ta muốn cải thiện được ô nhiễm không khí cũng là liên quan tới vấn đề giảm phát thải CO2.
Xin cảm ơn bà đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện!