Với nghiên cứu tiên phong về mạng nơron tích chập cho thị giác máy tính, công trình của ông đã đạt giải thưởng chính VinFuture 2024.
“Lý do tôi quan tâm đến AI là vì ngày nay máy móc có thể học hỏi dù chưa được như con người hay động vật, nhưng chúng ta đang đạt được những tiến triển kỳ vọng để hướng đến mục tiêu này.
Tôi nghĩ rằng, AI sẽ phát triển hơn nữa, thông minh hơn nữa trong những thập kỷ này, chúng ta sẽ đạt được nhiều tiến triển vì còn nhiều khoa học và công nghệ để giúp chúng ta đạt được điều này”, Giáo sư LeCun chia sẻ sau khi nhận giải VinFuture 2024.
Theo Giáo sư LeCun, AI giúp chúng ta mở rộng trí tuệ con người, trong thời gian sắp tới AI sẽ xuất hiện thường nhật trong những thiết bị công nghệ.
Giáo sư LeCun sinh ra tại Paris (Pháp), hành trình của ông trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo bắt đầu vào cuối những năm 1980 với công trình đầu tiên về mạng nơron – nó đã đặt nền tảng cho một số tiến bộ quan trọng nhất trong AI.
Đặc biệt, sự phát triển của ông về mạng nơron tích chập (CNN) đã thay đổi cuộc chơi, cho phép máy móc xử lý dữ liệu trực quan theo cách mô phỏng não người.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của Giáo sư LeCun không chỉ giới hạn ở những đóng góp về mặt kỹ thuật, trong quá trình ông làm Giám đốc Nghiên cứu AI tại Meta; ông là một “vị Tướng” đi đầu trong việc tích hợp AI vào trải nghiệm truyền thông xã hội.
Làm thế nào mà Giáo sư LeCun có thể khẳng định mình là một trong những người tiên phong vĩ đại nhất trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và học sâu trên quy mô toàn cầu?
Theo ông, AI có thể khuếch đại trí thông minh của con người giống như cách máy móc đã khuếch đại sức mạnh thể chất của chúng ta. Đó là cơ hội để tăng khả năng sáng tạo của chúng ta lên gấp 10 lần và vượt qua giới hạn tiềm năng của con người.
Người tiên phong về học máy
Từ khi còn nhỏ, Giáo sư Yann LeCun đã say mê khám phá bí ẩn về trí thông minh của con người và động vật với sự ủng hộ từ người cha làm kỹ sư.
Nhờ những “thách thức” từ người cha của mình, thần đồng trẻ tuổi này đã đạt được bằng DEA (Thạc sĩ) và Tiến sĩ tại Đại học Pierre-et-Marie-Curie (Sorbonne) với lĩnh vực học máy cho trí tuệ nhân tạo (AI).
Đối với luận án của mình, ông đề xuất một biến thể của thuật toán lan truyền ngược gradient, thuật toán này đã cho phép học mạng lưới thần kinh, từ đầu những năm 1980.
Bước ngoặt quyết định đánh dấu sự nghiệp của ông vào tháng 2/1985, trong một hội nghị ở Les Houches, ngay trung tâm dãy Alps. Cuộc họp mặt quy tụ những nhân vật hàng đầu trong nghiên cứu quốc tế trong lĩnh vực mạng lưới thần kinh.
Chính trong bối cảnh này, Giáo sư Yann có cơ hội gặp Larry Jackel, Giám đốc Phòng Nghiên cứu Hệ thống Thích ứng tại Bell Labs và Geoffrey Hinton, Giáo sư lỗi lạc tại Đại học Toronto (Canada) những người đã đồng hành cùng ông trong công trình nghiên cứu vĩ đại này.
Sau một thời gian ngắn làm việc tại Đại học Toronto năm 1987, Giáo sư Yann Le Cun gia nhập Phòng thí nghiệm Bell Labs (phòng thí nghiệm công nghiệp vĩ đại nhất thế giới), giai đoạn này đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp của ông.
Mạng tích chập – một phát minh chung của Giáo sư Hinton, Bengio và Le Cun – cùng với thuật toán lan truyền ngược gradient, đã tạo thành nền tảng cho các công nghệ mang tính cách mạng ngày nay như ChatGPT.
Tuy nhiên, sức mạnh tính toán hạn chế vào thời điểm đó khiến việc thực hiện chúng trở nên khó khăn, dẫn đến sự hoài nghi lan rộng.
Đối mặt với những thách thức này, Yann Le Cun tiếp tục hành trình trí tuệ của mình, đầu tiên là tại NEC, sau đó là thành viên của Đại học New York (Mỹ).
Trong bữa tối tại phòng ăn riêng của Mark Zuckerberg, người sáng lập Facebook đã thuyết phục Yann LeCun đảm nhận vai trò nghiên cứu AI của công ty.
Vào tháng 12/2013, ông đồng ý gia nhập Facebook để khởi động và chỉ đạo Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo Facebook (FAIR) tại New York và năm 2015, tại Paris ông đã tập trung nghiên cứu về AI nhận dạng hình ảnh và video.
Giáo sư Yann LeCun chia sẻ: “Một trong những ứng dụng lớn nhất của AI hiện nay là kiểm duyệt mạng xã hội, nhưng mọi người không nhìn thấy nó”.
Năm 2019 là năm thành công của thần đồng người Pháp với việc phát hành cuốn sách “Quand la machine apprend: la révolution des neurones artificiels et de l’apprentissage profond” với nội dung về cuộc cách mạng của tế bào thần kinh nhân tạo và học sâu.
Trong tác phẩm, Yann LeCun hình dung ra một tương lai nơi AI xác định lại ranh giới công nghệ, trở thành đối tác trong hành trình tìm kiếm kiến thức và đổi mới của chúng ta.
Ông lạc quan về tương lai của AI, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thích ứng và tiếp tục đào tạo trước sự chuyển đổi công nghệ.
“Trí tuệ nhân tạo đang xác định lại ranh giới của công nghệ, hứa hẹn một tương lai nơi máy móc không chỉ là công cụ mà còn là đối tác của chúng ta trong hành trình tìm kiếm kiến thức và đổi mới”, vị Giáo sư bày tỏ.
Theo ông AI tiếp tục định hình tương lai của chúng ta, đồng thời đảm bảo sự phát triển của nó vẫn phù hợp với nhu cầu và giá trị của nhân loại. Nó cũng nhấn mạnh tính cấp thiết của việc tiếp tục đào tạo cho quá trình chuyển đổi đang diễn ra.
“Công nghệ tạo ra những nghề mới và loại bỏ những nghề khác. Vấn đề trước hết nằm ở cách chúng ta thích ứng, chúng ta cần làm chủ được quỹ đạo nghề nghiệp của mình và ngày nay không ngừng học tập”, ông Yann LeCun chia sẻ.
LeCun khuyến khích chúng ta đừng sợ hãi trí tuệ nhân tạo, thay vào đó hãy xem nó như một cách để khuếch đại trí thông minh của con người.
Ông hình dung sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo là khúc dạo đầu cho một thời kỳ phục hưng mới, một chất xúc tác tiềm năng cho một bước nhảy vọt của nhân loại, hiện đang bị hạn chế bởi giới hạn trí tuệ của chính mình.
“Nhiều người cho rằng chỉ có hai cách để nhìn nhận AI: đó sẽ là công nghệ hỗ trợ hoặc công nghệ thay thế. Tôi cho rằng quan điểm “nhị phân” này hoàn toàn sai lầm vì công nghệ là cơ bản. Chúng ta cần phát triển máy móc thông minh hơn cho dù nó được sử dụng để hỗ trợ hay thay thế”, vị Giáo sư bày tỏ.
Tiềm năng phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam
Chia sẻ với phóng viên báo Dân trí, Giáo sư Yann LeCun đánh giá Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển trí tuệ nhân tạo trong nhiều lĩnh vực: “Trí tuệ nhân tạo như là nguyên liệu mới thúc đẩy mọi ngành nghề, ví dụ trong lĩnh vực về ô tô điện, y tế giúp các bác sĩ chuẩn đoán và chữa được nhiều bệnh hơn.
Lợi thế của Việt Nam là một quốc gia có dân số trẻ, người Việt Nam cũng rất thông minh, sáng tạo và chăm chỉ nên trí tuệ nhân tạo có tiềm năng phát triển rất nhanh”.
Ông dự đoán rằng, trí tuệ nhân tạo sẽ đóng vai trò lớn trong việc phát triển các lĩnh vực như giáo dục; khoa học; nghiên cứu; các startup của Việt Nam. Từ đó sẽ đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế.
Với những đóng góp lớn cho sự tiến bộ của AI của Giáo sư LeCun, ông đã nhận được Giải thưởng Turing danh giá- được ví như “Nobel điện toán” và giải thưởng chính VinFuture 2024.