Khoa học - Công nghệ

Perseverance chinh phục vành đai miệng hố Jezero trên Sao Hỏa

Perseverance chinh phục vành đai miệng hố Jezero trên Sao Hỏa - 1

Perseverance chinh phục vành đai miệng hố Jezero trên Sao Hỏa - 1

Tàu tự hành Perseverance của NASA đã chạm đến đỉnh của miệng núi lửa Jezero tại một địa điểm có tên là “Lookout Hill” (Ảnh: NASA).

Thông tin từ NASA cho biết, tàu thám hiểm Perseverance đã đạt đến đỉnh vành đai của miệng hố Jezero trên Sao Hỏa, tại một địa điểm mà nhóm khoa học sứ mệnh gọi là “Lookout Hill”.

Được biết, trong 3 tháng rưỡi qua, Perseverance đã leo lên vành đai này, vượt qua độ cao 500 mét và thực hiện các quan sát khoa học trên đường đi.

Với việc chinh phục vành đai, tàu thám hiểm sẽ bắt đầu chiến dịch “Vành đai phía Bắc”, dự kiến di chuyển 6,4 km trong năm 2025, và ghé thăm 4 địa điểm quan trọng để thu thập mẫu địa chất.

Kể từ khi hạ cánh xuống miệng hố Jezero vào tháng 2/2021, tàu Perseverance đã hoàn thành tổng cộng 4 chiến dịch trong sứ mệnh của mình. Trong chiến dịch đầu tiên, tàu thám hiểm đã ghé thăm các đặc điểm xung quanh điểm hạ cánh, như cấu trúc Máaz, cũng như thu thập nhiều mẫu đất đá để đánh giá mức độ ô nhiễm ở khu vực này.

Với các chiến dịch tiếp theo, tàu Perseverance bắt đầu mở rộng khám phá các địa điểm khác nhau của miệng hố Jezero, nhằm thu thập thêm mẫu đá và đất sét.

Gần đây nhất, chiến dịch thứ 4 của Perseverance tập trung vào nghiên cứu các cấu trúc đá carbonate bao quanh vành đai trên của miệng hố Jezero. Khu vực này được cho là có thể mang đến những khám phá khác biệt so với những gì đã xuất hiện trước đó.

Perseverance chinh phục vành đai miệng hố Jezero trên Sao Hỏa - 2

Lộ trình tàu thám hiểm sao Hỏa Perseverance của NASA đã di chuyển (màu xanh lam) khi nó leo lên vành phía tây của miệng núi lửa Jezero (Ảnh: NASA/JPL).

Ken Farley, nhà khoa học dự án Perseverance tại Viện Công nghệ California (Mỹ), giải thích rằng chiến dịch này đánh dấu sự chuyển đổi mang tính cách mạng của tàu Perseverance.

Theo đó, tàu sẽ chuyển từ việc nghiên cứu các loại đá lấp đầy miệng hố Jezero khi nó được hình thành bởi một va chạm cách đây 3,9 tỷ năm, sang các loại đá từ sâu bên trong Sao Hỏa bị đẩy lên và tạo thành vành đai miệng hố sau va chạm.

Những mẫu địa chất này có thể đại diện cho các mảnh vỏ Sao Hỏa cổ đại, và là một trong những loại đá cổ nhất có thể được tìm thấy trong Hệ Mặt Trời. Việc điều tra chúng có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về lịch sử hình thành và tạo hình sơ khai của Sao Hỏa và cả Trái Đất.

Sau khi vượt qua “Lookout Hill”, Perseverance đang tiến tới một mỏm đá cách đó khoảng 450 mét, được gọi là “Witch Hazel Hill”.

Candice Bedford, nhà khoa học Perseverance từ Đại học Purdue, cho biết “Witch Hazel Hill” đại diện cho một mỏm đá phân lớp dày hơn 100 mét, với mỗi lớp như một trang trong cuốn sách lịch sử sao Hỏa.

Khi di chuyển xuống đồi, chúng ta sẽ quay ngược thời gian, điều tra các môi trường cổ đại của sao Hỏa được ghi lại trong vành đai miệng hố. Sau đó, tàu thám hiểm sẽ hướng về địa điểm có tên “Lac de Charmes”, cách đó khoảng 3,2 km về phía nam.

Khu vực “Lac de Charmes” nằm trên các đồng bằng bên ngoài vành đai được đặc biệt quan tâm vì có khả năng ít bị ảnh hưởng bởi va chạm đã hình thành nên miệng hố Jezero.

Sau đó, tàu thám hiểm sẽ di chuyển khoảng 1,6 km trở lại vành đai để điều tra một mỏm đá lớn có thể là tàn dư của lớp đá nền cổ đại bị phá vỡ bởi một va chạm khác, được gọi là va chạm Isidis, xảy ra cách đây 3,9 tỷ năm và dẫn đến sự hình thành của bồn địa Isidis Planitia.

Việc Perseverance đạt đến đỉnh vành đai miệng hố Jezero đánh dấu một bước tiến quan trọng trong sứ mệnh khám phá sao Hỏa, mở ra cơ hội nghiên cứu các loại đá cổ đại và hiểu rõ hơn về lịch sử địa chất của Hành tinh Đỏ.

Shares:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *