Clip rắn hổ mang trườn vào nhà khiến người xem rùng mình
Theo chia sẻ của anh Mạnh Tưởng, sống tại thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng, sự việc xảy ra vào chiều 14/12 vừa qua, khi anh mở cửa bước vào nhà thì phát hiện con rắn. Con vật lập tức chui vào phía bếp khi thấy người xuất hiện.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, anh Tưởng cho biết vợ mình đã về nhà từ trước đó, nhưng chỉ nghe thấy âm thanh lục cục và không nghĩ rằng có rắn vào nhà. Vợ anh Tưởng sau đó có việc phải ra ngoài và chỉ đến khi anh trở về, con rắn mới bị phát hiện.
Anh Tưởng sau đó nhờ một người thân đến hỗ trợ để bắt giữ con rắn.
Đoạn video do anh Mạnh Tưởng quay lại cho thấy con rắn dài khoảng 2m, toàn thân màu đen tuyền. Con vật đã chui vào phía dưới tủ bếp để lẩn trốn. Khi bị đe dọa, con rắn phồng lớn phần mang và liên tục phát ra âm thanh phì phì đầy đáng sợ.
Anh Tưởng cho biết anh và người thân khi thấy con rắn quá hung dữ nên không dám manh động. Anh đã sử dụng một chiếc bao tối màu, mở rộng miệng và dùng cây để lùa con rắn chui vào trong bao. Lúc này, người thân của anh đứng ở phía sau, cầm sẵn một tấm chăn để sẵn sàng trùm lên con rắn nếu nó lao ra hoặc có ý định tấn công.
Khi thấy con rắn chui gọn vào trong, anh Tưởng nhanh chóng dùng dây để cột chặt miệng bao. Lúc này, anh mới dùng cân để kiểm tra và biết con rắn nặng khoảng 1,4kg.
Anh Mạnh Tưởng cùng người thân sau đó đã mang con rắn đi thả tại một vị trí cách xa khu dân cư, thay vì giết chết con vật như nhiều người vẫn làm.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, anh Tưởng cho biết phía đối diện nhà là một bãi đất trống, cây cối mọc um tùm. Đây là môi trường sống thích hợp của các loài rắn. Anh Tưởng cũng đã từng phát hiện rắn bò vào nhà, nhưng đây là lần đầu tiên có một con rắn hổ mang với kích thước lớn như vậy xuất hiện trong nhà anh.
Con rắn hổ mang trong đoạn clip là loài gì?
Dựa vào hình ảnh trong đoạn video do anh Mạnh Tưởng ghi lại được, cho thấy con rắn đã trườn vào nhà anh là một cá thể rắn hổ đất, còn có tên gọi là rắn hổ mang một mắt kính, rắn hổ phì…
Đây là loài thuộc họ rắn hổ, có tên khoa học Naja kaouthia. Loài rắn này được phân bố từ Ấn Độ, Bangladesh đến một phần nhỏ phía Tây Nam Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Việt Nam…
Tại Việt Nam, rắn hổ đất chỉ phân bố tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh thành ở phía Nam, không xuất hiện ở khu vực phía Bắc.
Rắn hổ đất có thể sống ở nhiều môi trường khác nhau, bao gồm cả rừng ngập mặn, ruộng lúa, đầm lầy, đồng cỏ, bãi đất trống cây cỏ rậm rạp… Rắn hổ đất cũng có thể bắt gặp ở những khu vực con người sinh sống, bao gồm cả ở những thành phố lớn.
Rắn hổ đất có kích thước lớn, thường dài từ 1,3 đến 1,5m và có thể dài đến 2,3m, dù hiếm gặp. Màu sắc da của rắn hổ đất thường có màu đậm, đôi khi có đen tuyền toàn thân.
Khi cảm thấy bị đe dọa, rắn hổ đất thường ngóc cao đầu và phình rộng mang. Phía sau của phần mang có thể quan sát thấy một hoa văn hình tròn giống như mắt kính. Loài rắn này có khả năng phát ra âm thanh để đe dọa kẻ thù, do vậy nó còn được gọi là rắn hổ phì.
Thức ăn của loài rắn này bao gồm động vật gặm nhấm, cá, ếch và cả một số loài rắn khác…
Rắn hổ đất cũng có thể phun nọc để tấn công kẻ thù, nhưng chúng chủ yếu sử dụng răng nanh để cắn và tiêm nọc độc.
Rắn hổ đất độc đến mức nào?
Giống các loài khác thuộc họ rắn hổ, rắn hổ đất sở hữu nọc độc thần kinh. Nếu nạn nhân bị cắn và không được cấp cứu kịp thời, nọc độc của rắn hổ đất sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây ra các triệu chứng sa mí mắt, đau tức ngực, đau nhức toàn thân, tay chân yếu, mất giọng nói, khó thở… và cuối cùng dẫn đến tử vong.
Cần làm gì nếu rắn hổ đất trườn vào nhà?
Rắn hổ đất có đặc điểm dễ nhận dạng khi chúng thường phình mang và ngóc cao đầu, phát ra âm thanh phì phì như tiếng thở mạnh. Do vậy nếu mọi người bắt gặp loài rắn này ngoài tự nhiên, hãy tìm cách tránh xa chúng để tránh bị cắn.
Trong trường hợp rắn hổ đất trườn vào nhà, bạn cần phải hết sức bình tĩnh, giữ khoảng cách an toàn với rắn, sử dụng điện thoại để gọi cho những người có chuyên môn về rắn hoặc lực lượng cứu hộ địa phương để nhờ giúp đỡ.
Trong khi chờ lực lượng cứu hộ hoặc nhóm giải cứu rắn đến hiện trường, người dân cần phải luôn để mắt đến rắn, tránh để con vật chạy khỏi tầm mắt và lẩn trốn vào những góc khuất trong nhà.
Nếu không thể liên lạc với lực lượng cứu hộ hoặc các chuyên gia bò sát, người dân có thể sử dụng sào, cán chổi dài… và một cái thùng để đựng rắn. Sau đó, sử dụng sào hoặc cán chổi để lùa hoặc móc rắn cho vào thùng, đậy nắp chặt để tránh con vật trốn thoát.
Nếu không thể bắt giữ hoặc di dời rắn đi nơi khác, người dân có thể chọn giải pháp cuối cùng đó là tìm cách tiêu diệt con vật để đảm bảo an toàn cho tính mạng của bản thân và gia đình.
Nếu không may bị rắn cắn, cần trấn an nạn nhân bình tĩnh, tránh vận động nhiều khiến tim đập nhanh, đặt vị trí vết cắn thấp hơn tim để tránh nọc độc lan truyền nhanh hơn, sau đó đưa nạn nhân đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Những biện pháp như rạch vết thương, hút chất độc, đắp lá thuốc… có thể khiến tình trạng nạn nhân càng thêm nghiêm trọng.