Khoa học - Công nghệ

Tên lửa Nhật Bản phát nổ ngay sau khi cất cánh

Tên lửa Nhật Bản phát nổ ngay sau khi cất cánh - 1

Tên lửa Nhật Bản phát nổ ngay sau khi cất cánh - 1

Hình ảnh tên lửa Kairos 2 trước thời điểm phát nổ (Ảnh: STR/JIJI).

Ngày 18/12/2024, công ty khởi nghiệp Space One của Nhật Bản đã gặp thất bại trong nỗ lực trở thành công ty tư nhân đầu tiên của nước này đưa vệ tinh vào quỹ đạo.

Tên lửa Kairos 2, dài 18 mét, rời bệ phóng Space Port Kii ở Kushimoto, tỉnh Wakayama, Nhật Bản, vào khoảng 11 giờ sáng theo giờ địa phương.

Tuy nhiên, chỉ 3 phút sau khi cất cánh, ở độ cao khoảng 100 km, tên lửa bắt đầu mất kiểm soát, trước khi bốc cháy và phát nổ. Space One sau đó buộc phải hủy bỏ chuyến bay sau khi phát hiện các bất thường trong động cơ giai đoạn đầu và quỹ đạo của tên lửa.

Nguồn tin từ Space cho biết, không có nhân sự nào bị thương, cũng như cơ sở nào bị hư hại trong vụ nổ. Tuy nhiên, các mảnh vỡ của tên lửa đã nằm rải rác khắp địa điểm phóng.

Tên lửa Kairos 2 mang theo 5 vệ tinh do các công ty thương mại Nhật Bản, học sinh trung học và một công ty Đài Loan phát triển. Đây là lần phóng thứ hai của dòng tên lửa Kairos trong năm 2024, sau thất bại tương tự vào tháng 3 cùng năm, khi tên lửa phát nổ chỉ vài giây sau khi rời bệ phóng.

Space One, được thành lập vào năm 2018 với sự tham gia góp vốn của các tập đoàn lớn như Canon Electronics và Ngân hàng Phát triển Nhật Bản, đặt mục tiêu cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh thương mại bằng các tên lửa nhỏ.

Tên lửa Nhật Bản phát nổ ngay sau khi cất cánh - 2

Vệt khói từ tên lửa Kairos của công ty khởi nghiệp Space One sau khi rời bệ phóng tại Space Port Kii ở Kushimoto, tỉnh Wakayama ngày 18/12 (Ảnh: STR/JIJI).

Sau sự cố này, công ty đã xin lỗi khách hàng và những người liên quan, đồng thời cam kết sẽ nhanh chóng xác định nguyên nhân vụ việc và tiếp tục các nỗ lực phóng tên lửa trong tương lai, nhằm đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp vũ trụ.

“Chúng tôi muốn xin lỗi khách hàng và tất cả những người tham gia vào sứ mệnh vì không thể hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi cảm thấy vô cùng đáng tiếc vì không thể đáp ứng được kỳ vọng của tất cả những người đã ủng hộ”, công ty cho biết trong một thông báo.

Thất bại này là một đòn giáng mạnh vào tham vọng của Nhật Bản trong việc tham gia thị trường phóng vệ tinh thương mại đầy tiềm năng. Trước đó, vào tháng 7/2023, động cơ tên lửa Epsilon-S của Nhật Bản cũng đã phát nổ trong một vụ thử nghiệm.

Tuy nhiên, Nhật Bản đã đạt được một số thành công trong lĩnh vực vũ trụ, như việc phóng thành công tên lửa H3 thế hệ mới vào tháng 2/2024 và hạ cánh tàu thăm dò lên Mặt Trăng trong năm nay.

Shares:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *