Theo các nhà khoa học, nhiệt độ tăng cao như vậy chủ yếu là do sự gia tăng khí nhà kính trong khí quyển Trái Đất kể từ cuộc Cách mạng Công nghiệp.
Vào thời kỳ tiền công nghiệp của thế kỷ XVIII, nồng độ khí nhà kính carbon dioxide trong khí quyển là 278 ppm. Ngày nay, con số này là 420 ppm.
Ngoài ra, có một số tác động khác góp phần làm tăng nhiệt độ toàn cầu năm 2024.
Chẳng hạn hiện tượng El Nino cực mạnh xảy ra từ mùa thu năm 2023 hay vụ phun trào núi lửa Tonga vào tháng 1/2022 cũng khiến một lượng lớn hơi nước và sulfur dioxide bốc lên khí quyển, khiến nhiệt độ năm 2024 tăng thêm và trở thành năm nóng nhất kể từ năm 1880 đến nay.
Giám đốc NASA, ông Bill Nelson cho biết một lần nữa, kỷ lục về nhiệt độ bị phá vỡ. Trước đó năm 2023 nắm giữ kỷ lục này.
“Giữa nhiệt độ phá kỷ lục và các vụ cháy rừng đang đe dọa bang California, Mỹ, việc hiểu rằng hành tinh của chúng ta đang biến đổi trở nên quan trọng hơn bao giờ hết”, Bill Nelson chia sẻ.
Năm 2024, nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,3 độ C so với mức cơ sở giữa thế kỷ XX (1951-1980) và cao hơn 1,47 độ C so với mức trung bình giữa thế kỷ XIX (1850-1900).
Đó là vì hành tinh của chúng ta vừa trải qua một đợt nắng nóng kéo dài 15 tháng. Các kỷ lục về nhiệt độ cao liên tục bị phá vỡ từng tháng kể từ tháng 6/2023 đến tháng 8/2024.
Ngoài những ảnh hưởng ngắn hạn này, các nhà khoa học ở NASA còn lo ngại về những tác động lâu dài của khí nhà kính đối với khí hậu toàn cầu.
“Không phải năm nào kỷ lục cũng bị phá vỡ, nhưng xu hướng dài hạn thì đã rõ ràng.
Chúng ta đã chứng kiến tác động khi xảy ra mưa lớn, nắng nóng gay gắt và lũ lụt gia tăng. Những thiên tai này sẽ còn trở nên tồi tệ hơn chừng nào lượng khí thải vẫn tiếp tục tăng”, Gavin Schmidt, Giám đốc Viện nghiên cứu Không gian Goddard của NASA, chia sẻ.