Burt, một con cá sấu nước mặn khổng lồ và biểu tượng điện ảnh thập niên 80, vừa chết vì tuổi già. Thông tin này được Crocosaurus Cove, trung tâm động vật hoang dã ở Darwin, Úc, nơi Burt được nuôi từ năm 2008, chia sẻ.
“Con cá sấu ước tính đã sống trên 90 năm. Sự ra đi của Burt đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên đáng kinh ngạc”, Crocosaurus Cove đăng tải trên Instagram. “Cuộc đời của Burt là một câu chuyện về sức mạnh, khả năng phục hồi và tính cách đầy táo bạo”.
Burt lần đầu được biết đến khi bị bắt vào những năm 1980 tại sông Reynolds (Úc). Nó nhanh chóng trở thành một trong những con cá sấu được biết đến nhiều nhất trên thế giới, khi xuất hiện trong bộ phim “Cá sấu Dundee” (1986), góp phần định hình hình ảnh của Úc như một vùng đất có vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và động vật hoang dã phong phú.
Sự ra đi của Burt không chỉ đánh dấu sự kết thúc của một biểu tượng điện ảnh mà còn là lời nhắc nhở chúng ta về vai trò quan trọng của cá sấu nước mặn trong hệ sinh thái và sự cần thiết của việc bảo vệ loài sinh vật này khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
Cá sấu nước mặn (tên khoa học: Crocodylus porosus), còn gọi là cá sấu cửa sông, hay cá sấu hoa cà tại Việt Nam, là loài cá sấu lớn nhất và cũng là loài bò sát lớn nhất còn tồn tại trên hành tinh.
Con đực trưởng thành có thể đạt chiều dài lên tới 6,3m, thậm chí một số cá thể vượt mức 7m, và cân nặng dao động từ 500 đến 1.100 kg, trong khi con cái nhỏ hơn nhiều, thường không vượt quá 3m.
Cá sấu nước mặn phân bố rộng rãi nhất trong số tất cả các loài cá sấu hiện đại, từ bờ đông tiểu lục địa Ấn Độ, xuyên qua Đông Nam Á, đảo New Guinea và phía Bắc lục địa Australia.
Tại Việt Nam, loài cá sấu này từng xuất hiện từ Vũng Tàu – Cần Giờ đến vùng biển Kiên Giang, đảo Phú Quốc và Côn Đảo, nhưng hiện nay số lượng đã giảm sút nghiêm trọng.
Chúng thường sinh sống ở các vùng đất ngập nước có nước mặn như đầm lầy ngập mặn, cửa sông và đồng bằng châu thổ. Cá sấu nước mặn là những vận động viên bơi lội tuyệt vời, có thể di chuyển quãng đường dài trên biển, đôi khi lên tới 900km.
Cá sấu nước mặn là loài săn mồi đỉnh cao, thường phục kích con mồi trước khi nhấn chìm hoặc nuốt chửng nạn nhân. Chế độ ăn của chúng rất đa dạng, bao gồm cá, động vật không xương sống, chim, động vật có vú, và đôi khi cả con người.
Với lực cắn mạnh nhất trong số các loài động vật hiện đại, cá sấu nước mặn có thể tạo ra áp lực cắn lên tới 3.700 psi (16.460 newton), vượt xa lực cắn của sư tử hay hổ.
Mặc dù được liệt kê là loài “Ít quan tâm” trong Sách Đỏ IUCN từ năm 1996, cá sấu nước mặn vẫn đối mặt với nhiều nguy cơ từ nạn săn trộm và mất môi trường sống. Da cá sấu là vật phẩm có giá trị cao, khiến loài bò sát này trở thành mục tiêu ưa thích của các hoạt động buôn bán trái phép.
Với những nỗ lực bảo tồn và phục hồi môi trường sống, số lượng cá thể đã tăng lên ở một số khu vực như Odisha, Ấn Độ.