Chủ nhân giải thưởng VinFuture nhận giải Nobel
Ngày 10/12 tại Stockholm (Thụy Điển), GS Geoffrey E. Hinton, người được mệnh danh “cha đỡ đầu của AI”, đã được Vua Carl XVI Gustaf của Thụy Điển trao tặng giải Nobel Vật lý 2024 cùng người đồng nghiệp là John Hopfield, giáo sư danh dự tại Đại học Princeton.
Công trình của cặp đôi giáo sư được coi là nền tảng cho máy học (Machine Learning), học sâu (Deep Learning). Riêng GS Hinton được Chủ tịch ủy ban Giải thưởng Vật lý Nobel Ellen Moons đánh giá là “nhân vật hàng đầu trong việc phát triển các thuật toán hiệu quả”.
“Ông là người tiên phong trong nỗ lực thiết lập mạng lưới nơ-ron sâu và dày đặc. Những mạng lưới như vậy có hiệu quả trong việc phân loại và diễn giải một lượng lớn dữ liệu và tự cải thiện dựa trên độ chính xác của kết quả”, Ellen Moons cho biết tại lễ trao giải.
Ngày nay, mạng lưới nơ-ron nhân tạo là công cụ mạnh mẽ trong các lĩnh vực nghiên cứu bao gồm vật lý, hóa học và y học, cũng như trong cuộc sống hàng ngày.
Thành tựu từ 50 năm phá bỏ định kiến
Sở dĩ GS Hinton được trao giải Nobel Vật lý vì công trình vật lý mà ông sử dụng đã phát triển nên một số nền tảng của máy học, cũng như một nhánh của khoa học máy tính. Từ đó, giúp AI bắt chước cách con người một cách hiệu quả.
Đáng chú ý, công trình giúp GS Hinton giành giải Nobel vốn dĩ đã được hoàn thành vào những năm 1980, khi khái niệm về AI còn rất xa vời so với ngày nay.
“Đây là thành tựu của 50 năm trước. Chúng tôi đã đưa ra ý tưởng về một vấn đề cần giải quyết và theo đuổi ý tưởng đó, bất chấp hầu hết mọi người trong lĩnh vực AI và khoa học máy tính đều nói rằng những gì chúng tôi đang làm là vô nghĩa”, GS Hinton chia sẻ.
Sự kiên trì và đột phá trong nghiên cứu khoa học giúp GS Hilton tạo ra nền tảng học máy Boltzmann, có khả năng “học” từ những ví dụ thay vì hướng dẫn. Không chỉ vậy, khi được đào tạo, nó cũng có thể nhận ra các đặc điểm quen thuộc trong thông tin, ngay cả khi chưa từng tiếp cận với dữ liệu trước đó.
Vị giáo sư 77 tuổi đã dành cả thập kỉ để giảng dạy khoa học máy tính tại Đại học Toronto (Canada), song song với công việc với nhóm trí tuệ nhân tạo học sâu tại Google (Mỹ) trước khi tuyên bố từ chức vào năm 2023.
Ông nhấn mạnh việc rời Google là để chia sẻ một cách cởi mở hơn về những mối nguy hiểm của AI, bao gồm sự thiên vị và phân biệt đối xử. Trong đó, có cả tin tức giả mạo, tình trạng thất nghiệp, vũ khí tự động gây chết người hay thậm chí là sự kết thúc của nhân loại.
GS Hinton cho biết, ưu tiên cần được đặt vào việc tìm kiếm các biện pháp bảo vệ cho công nghệ này. “Tôi đáng nhẽ phải nghĩ đến vấn đề an toàn sớm hơn. Tôi luôn nghĩ rằng AI còn rất xa vời – tức là AI chưa thể thông minh như con người. Và giờ đây, tôi nghĩ khoảng cách này đã gần hơn rất nhiều”, GS Hintol chia sẻ.
Tại VinFuture 2024, đóng góp của GS Geoffrey E. Hinton cùng GS Yoshua Bengio, ông Jen-Hsun Huang, GS Yann LeCun và GS Fei-Fei Li, trong lĩnh vực học sâu được vinh danh giải thưởng chính, trị giá 3 triệu USD (hơn 76 tỷ đồng).
GS Geoffrey E. Hinton cũng là nhà khoa học thứ 5 nhận giải VinFuture cùng với giải Nobel. Điều này cho thấy tầm nhìn tiên phong của Giải thưởng khoa học và công nghệ quốc tế đầu tiên do người Việt Nam khởi xướng trong việc nhận diện và vinh danh các phát minh có sức ảnh hưởng sâu rộng đối với nhân loại, khẳng định được dấu ấn trong cộng đồng khoa học quốc tế chỉ sau 4 năm hoạt động.