Khoa học - Công nghệ

Dị vật nặng nửa tấn từ trên trời rơi xuống

Dị vật nặng nửa tấn từ trên trời rơi xuống - 1

Rác vũ trụ rơi xuống ngôi làng ở Kenya

Dị vật nặng nửa tấn từ trên trời rơi xuống - 1

Dị vật có đường kính 2,5 mét, nặng 500kg, rơi xuống một ngôi làng ở Kenya (Ảnh: KSA).

Các quan chức của Cơ quan Vũ trụ Kenya (KSA) tại Nairobi, Kenya, Đông Phi, báo cáo rằng vào ngày 30/12/2024, một vòng kim loại lớn có đường kính khoảng 2,5 mét, nặng 500 kg đã rơi từ trên bầu trời xuống làng Mukuku, thuộc quận Makueni – phía nam đất nước.

Đây được nghi ngờ là tàn dư còn sót lại từ một tên lửa trong quá trình tự hủy khi quay trở lại bầu khí quyển Trái Đất.

Thời gian gần đây, hiện tượng mảnh vỡ từ vũ trụ rơi xuống mặt đất không còn xa lạ trong bối cảnh sự gia tăng nhanh chóng của các sứ mệnh lấy quỹ đạo tầm thấp làm điểm đến.

Trong trường hợp này, rất may mắn khi mảnh vỡ không gây thương vong hay thiệt hại đáng kể nào.

Các nhóm nghiên cứu tại địa phương hiện đang phối hợp với cơ quan vũ trụ quốc tế để xác minh nguồn gốc chính xác của khối kim loại này. Theo đánh giá ban đầu của Aerospace Corporation, dị vật rơi xuống ngôi làng có thể có mối liên hệ với sứ mệnh phóng tên lửa Atlas Centaur vào năm 2004.

Atlas Centaur vốn dĩ là tên lửa phóng dùng một lần của Mỹ, được phát triển từ tên lửa đạn đạo liên lục địa SM-65 Atlas D. Phương tiện này bao gồm tầng đẩy đầu tiên Atlas và tầng trên Centaur, tầng trên đầu tiên sử dụng nhiên liệu hydro lỏng hiệu suất cao.

Atlas-Centaur đã đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai nhiều sứ mệnh liên hành tinh, bao gồm Voyager 1 và Voyager 2, được phóng vào năm 1977 để nghiên cứu các hành tinh bên ngoài hệ Mặt Trời.

Phương tiện này cũng đã phóng các tàu thăm dò Pioneer 12 và 13 đến Sao Kim vào năm 1978.

Tổng cộng, Atlas-Centaur đã thực hiện 197 lần phóng, với 181 lần thành công, 13 lần thất bại và 3 lần thất bại một phần. Lần phóng cuối cùng của hệ thống này diễn ra vào ngày 31/8/2004.

Phần thân tên lửa còn sót lại, được gắn nhãn là vật thể 28385, dự kiến quay trở lại Trái Đất vào ngày 30/12/2024, với đường bay qua Châu Phi.

Vụ việc đã làm dấy lên sự quan ngại của giới chuyên môn về vấn đề rác vũ trụ, cũng như những nguy cơ trong bối cảnh ngày càng có nhiều sứ mệnh không gian được triển khai.

Rác vũ trụ và nguy cơ hiện hữu

Dị vật nặng nửa tấn từ trên trời rơi xuống - 2

Rác vũ trụ không chỉ gây nguy hiểm cho các sứ mệnh không gian, mà còn có thể đe dọa cả những người đang sống trên Trái Đất (Ảnh: Getty).

Hiện nay, rác vũ trụ đã trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với ngành công nghiệp không gian.

Theo các báo cáo, có hàng trăm nghìn vật thể nhỏ quay quanh Trái Đất trong quỹ đạo thấp và cao, bao gồm các mảnh vỡ tên lửa, vệ tinh và thiết bị đã hết niên hạn.

Jonathan McDowell, một chuyên gia từ Trung tâm Thiên văn Harvard-Smithsonian, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập các quy chuẩn quốc tế để quản lý vấn đề này.

“Không gian đang trở thành một bãi rác và nếu không hành động ngay, chúng ta có nguy cơ đối mặt với điều gọi là “hiệu ứng Kessler,” nơi các va chạm giữa vật thể sẽ tăng theo cấp số”, McDowell cho biết.

Các giải pháp được đề xuất bao gồm việc phát triển công nghệ thu gom rác trong quỹ đạo, cũng như thiết kế các thiết bị vũ trụ với tính năng “tự phá hủy” sau khi hoàn thành nhiệm vụ”.

Ngoài ra, các quốc gia và công ty tư nhân cũng cần hợp tác để đảm bảo việc phóng và vận hành vệ tinh không gây nguy hiểm lâu dài.

Vụ việc mảnh vỡ tên lửa rơi xuống Kenya gần đây là một lời cảnh tỉnh rõ ràng về tình trạng rác vũ trụ gia tăng, khi chúng có thể đe dọa trực tiếp lên những người dân trên địa cầu.

Chìa khóa để giảm thiểu rủi ro này đòi hỏi sự hợp tác quốc tế và các giải pháp sáng tạo từ cả nhà khoa học lẫn nhà quản lý.

Shares:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *