Everest là đỉnh núi cao nhất trên đất liền, với độ cao 8.849 mét so với mực nước biển. Điều thú vị là đỉnh núi này vẫn không ngừng cao lên mỗi năm, và mới đây, các nhà khoa học đã tìm ra được nguyên nhân
Theo Adam Smith, nhà khoa học của Đại học London (Anh), dữ liệu GPS cho thấy Everest đang không ngừng phát triển, với việc cao hơn khoảng 2 mm mỗi năm.
Con số 2 mm nghe tưởng nhỏ, nhưng theo khung thời gian địa chất, nó có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể.
Nguyên nhân của việc này có thể bắt nguồn từ việc sông Arun (nay là nhánh chính của sông Kosi chảy qua Trung Quốc, Nepal và Ấn Độ) đã bị tác động khoảng 89.000 năm trước.
Nhóm nghiên cứu cho biết, việc con sông bị chuyển hướng đã dẫn đến sự gia tăng xói mòn, và tạo ra hẻm núi sông Arun.
Việc hình thành hẻm núi này và xói mòn theo đó, loại bỏ một lượng đất dọc theo lưu vực, đồng thời khiến nền đất ở các khu vực xung quanh trở nên nhẹ hơn.
“Xói mòn gây ra áp suất ngầm, dưới dạng một hiệu ứng địa chất được gọi là sự phục hồi đẳng tĩnh”, Adam Smith lý giải. Nó xảy ra khi một phần lớp vỏ Trái Đất mất dần phần uốn cong, và rồi sau đó “nổi” lên do áp suất mạnh của lớp phủ chất lỏng (nước) bên dưới. Đó là lý do đã gián tiếp khiến đỉnh Everest ngày càng nhô cao hơn.
Các nhà khoa học cho biết, hiện tượng này cũng đang ảnh hưởng đến các đỉnh núi lân cận, bao gồm Lhotse và Makalu, cao thứ 4 và 5 trên thế giới.