Phát hiện này thách thức quan điểm truyền thống về lịch sử của “cái chết đen” (bệnh dịch hạch), cho rằng căn bệnh này đã tồn tại ở Bắc Phi vào buổi bình minh của Thời đại đồ đồng.
Vi khuẩn trên xác ướp 3.290 năm
Việc phát hiện ra sự hiện diện của vi khuẩn Yersinia pestis trong xác ướp Ai Cập thể hiện một bước tiến lớn đối với các nhà nghiên cứu về cổ sinh vật học.
Xác ướp có niên đại 3.290 năm, thuộc về một cá nhân từ cuối Thời kỳ Chuyển tiếp thứ Hai hoặc đầu Tân Vương quốc – một thời kỳ được đánh dấu bởi những biến động chính trị và xã hội ở Ai Cập cổ đại.
Các nhà nghiên cứu trích xuất thành công DNA bệnh dịch hạch từ hai nguồn riêng biệt: mô xương và ruột, cung cấp bằng chứng rõ ràng cho thấy người đàn ông này đã mắc bệnh dịch hạch trước khi chết.
Khám phá này vượt xa việc xác định căn bệnh đơn giản, cung cấp cái nhìn sâu sắc trực tiếp về mức độ lây nhiễm trong cơ thể con người ở giai đoạn tiến triển của bệnh.
Tầm quan trọng của nó không chỉ giới hạn ở việc xác nhận sự tồn tại của bệnh dịch hạch tại Bắc Phi, mà còn mang ý nghĩa đối với lịch sử toàn cầu của căn bệnh này.
Lưu ý rằng, trước khi nghiên cứu này được công bố, bệnh dịch hạch chủ yếu gắn liền với châu Âu và châu Á, và người ta cho rằng nó chỉ xuất hiện ở châu Phi trong thời gian gần đây.
Bộ gen có sự hiện diện của vi khuẩn Yersinia pestis được phát hiện trong xác ướp Ai Cập mới đây là bộ gen đầu tiên được tìm thấy bên ngoài lục địa Á-Âu, mở ra những góc nhìn mới cho các nhà sử học và nhà nghiên cứu.
Điều này ngụ ý rằng bệnh dịch hạch có thể đã di chuyển qua các tuyến đường thương mại cổ xưa sớm hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây, từ đó định hình nên động lực của các xã hội cổ đại.
Nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc đánh giá lại nguồn gốc và tác động của bệnh dịch hạch trong thế giới cổ đại.
Lịch sử của bệnh dịch hạch ở Ai Cập
Trước phát hiện này, sự hiện diện của bệnh dịch hạch ở Ai Cập cổ đại vẫn là một giả thuyết mang tính suy đoán.
Tuy nhiên, một số manh mối đã chỉ cho các nhà nghiên cứu theo hướng có thể chấp nhận được.
Đầu tiên, dọc hai bờ sông Nile có thể là nơi sinh sản lý tưởng cho căn bệnh này do môi trường thuận lợi đối với loài bọ chét – mang vi khuẩn Yersinia pestis sinh sôi nảy nở.
Một khám phá mang tính bước ngoặt diễn ra vào những năm 2000, một nhóm nhà nghiên cứu tìm thấy bọ chét tại một địa điểm khảo cổ ở Amarna, nơi những công nhân tham gia xây dựng lăng mộ Tutankhamun sinh sống.
Bọ chét được coi là vật trung gian truyền bệnh dịch hạch. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng căn bệnh này có thể đã lây lan từ trước khi xảy ra đại dịch thời Trung cổ tàn phá châu Âu.
Một chìa khóa khác cho giả thuyết này là giấy cói Ebers – một văn bản y học 3.500 năm tuổi mô tả các triệu chứng giống bệnh dịch hạch, bao gồm mụn nước trên da và mủ hóa vảy cứng, những đặc điểm điển hình của căn bệnh này.
Mặc dù văn bản Ebers không đề cập rõ ràng đến bệnh dịch hạch, nhưng những điểm tương đồng giữa các triệu chứng được mô tả và triệu chứng của bệnh dịch hạch hiện đại cho thấy rằng, bệnh lý này phần nào giống nhau và nó có thể đã ảnh hưởng đến cư dân Ai Cập cổ đại.
Do đó, những yếu tố này đã gieo mầm mống cho khả năng bệnh dịch hạch có thể đã xuất hiện ở khu vực này sớm hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây.
Ý nghĩa lịch sử và sự lây truyền của bệnh dịch hạch
Việc phát hiện ra sự hiện diện của bệnh dịch hạch ở Ai Cập cổ đại đã đặt ra một số câu hỏi về việc làm thế nào căn bệnh này có thể lan rộng ra ngoài biên giới Ai Cập.
Một trong những khía cạnh hấp dẫn nhất của nghiên cứu này là khả năng bệnh dịch lây lan qua các mạng lưới thương mại xuyên Địa Trung Hải và xa hơn nữa.
Một số nhà nghiên cứu tin rằng bọ chét bị nhiễm bệnh do chuột mang theo đã đóng một vai trò quan trọng trong việc lây lan căn bệnh này.
Chuột đen – vật chủ ưa thích của bọ chét – thường xuất hiện trên các con tàu cổ đại di chuyển giữa các cảng Địa Trung Hải.
Những chuyến đi này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc lây truyền căn bệnh cái chết đen, không chỉ ở Ai Cập mà còn đến các khu vực như Bắc Phi, Trung Đông và thậm chí cả châu Âu.
Do đó, giả thuyết cho rằng bệnh dịch hạch có thể đã lây lan sớm hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây, thách thức quan điểm truyền thống cho rằng nó đến châu Âu cùng với đại dịch thời Trung cổ vào thế kỷ 14.
Nếu căn bệnh này đã lan sang các nền văn minh Địa Trung Hải trước thời điểm trên, nó có thể giải thích một số dịch bệnh cổ xưa và tác động của chúng đối với các xã hội cổ đại.
Ý nghĩa của khám phá này rất rộng, cho thấy không chỉ bệnh dịch hạch là một trong những căn bệnh ảnh hưởng đến các nền văn minh cổ đại mà còn có khả năng ảnh hưởng đến các mối quan hệ thương mại và văn hóa thời đó.
Điều này thúc đẩy các nhà nghiên cứu phải suy nghĩ lại về lịch sử của các đại dịch, sự lây lan và tác động của chúng đối với các xã hội trước thời kỳ trung cổ.