Định hướng hoàn thiện và triển khai luật
Ngày 25/12, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức phiên họp Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập để thảo luận về Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo (KH,CN&ĐMST).
Đây là sự kiện quan trọng nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST) trở thành động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh: “KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số đang phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò quyết định sự phát triển của các quốc gia. Đây là điều kiện tiên quyết và thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới”.
Bộ trưởng cũng khẳng định rằng việc xây dựng Dự án Luật cần bám sát Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó KH,CN&ĐMST được xác định là yếu tố trọng tâm để đạt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045
“Công tác hoàn thiện thể chế là một nhiệm vụ trọng tâm đang được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo”, Bộ trưởng cho biết.
“Trong đó, chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm”.
Theo Bộ trưởng, Dự thảo Luật KH,CN&ĐMST bao gồm 14 chương với nhiều nội dung quan trọng, từ việc kế thừa các quy định còn phù hợp trong Luật KH&CN năm 2013 đến bổ sung các yếu tố mới nhằm thích ứng với bối cảnh hiện tại.
Do vậy, dự thảo được yêu cầu cần bám sát, thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với các quy định mạnh mẽ phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và tiến gần tới thông lệ quốc tế.
Ngoài ra, việc xây dựng Dự thảo Luật cần dựa trên các quan điểm mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của luật sang khu vực ngoài công lập để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST, đóng góp ngày càng hiệu quả vào phát triển kinh tế – xã hội, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Kỳ vọng bước đột phá Việt Nam
Dự án Luật KH,CN&ĐMST được kỳ vọng sẽ trở thành một bước đột phá quan trọng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trên toàn quốc.
Với sự tham gia và đồng thuận của các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp, luật này không chỉ góp phần hiện thực hóa các mục tiêu kinh tế mà còn khẳng định vai trò của KH,CN&ĐMST trong việc đưa Việt Nam vươn tầm quốc tế.
Tại Phiên họp, các đại biểu bày tỏ nhất trí với nội dung của Dự thảo Luật KH,CN&ĐMST; đồng thời tập trung trao đổi, thảo luận về những điểm cần sửa đổi để hoàn thiện Dự án Luật này.
Ông Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đề xuất bổ sung một điều khoản khẳng định vai trò và vị thế mới của KH,CN&ĐMST, coi đây là một quan điểm, nguyên tắc quan trọng trong Luật.
Bên cạnh đó, cần nêu rõ tên của các trung tâm, các viện nghiên cứu xuất sắc được thành lập để tập hợp các chuyên gia, các nhà khoa học từ các tổ chức nghiên cứu và phát triển, các cơ sở giáo dục đại học khác đến làm việc kiêm nhiệm nhằm tập trung việc ưu tiên nghiên cứu và phát triển.
Đồng quan điểm, ông Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng, đối với các tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập đặc biệt cần có cơ chế chính sách riêng để tạo thuận lợi phát triển nghiên cứu mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới.
Đại diện Bộ Giáo dục nhấn mạnh, cần làm rõ thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức soạn thảo, đồng thời đề xuất các tổ chức chủ động xây dựng và xét chọn nhiệm vụ KH&CN trong khuôn khổ kinh phí được cấp cũng như các nguồn kinh phí tự chủ khác.
Đại biểu đến từ Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất bổ sung các nội dung liên quan đến chuyển đổi số vào Dự án Luật nhằm tạo dựng một khung pháp lý vững chắc cho công cuộc chuyển đổi số trong thời gian tới.
Kết luận Phiên họp, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, Bộ KH&CN sẽ tổ chức các buổi làm việc với từng bộ, ngành, lĩnh vực liên quan để làm rõ hơn các nội dung trong Dự án Luật; đồng thời, khẳng định sẽ tiếp thu tối đa những ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện Dự thảo Luật, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tiễn.