Liên tiếp những kỷ lục mới
Vào tháng 7, nhiệt độ trung bình của Trái Đất là cao nhất trong 175 năm. Đặc biệt, 22/7 là ngày nóng nhất được ghi nhận.
Trước đó vào tháng 6, một báo cáo từ các nhà khoa học của Đại học Leeds (Anh), đã sớm cho biết tình trạng nóng lên toàn cầu do con người gây ra đang ở mức cao nhất mọi thời đại.
Ở 2 đầu địa cực, các sông băng đang tan chảy với tốc độ chưa từng thấy, tất cả đến từ lượng nhiệt do con người gây ra.
Hệ quả là quá trình không thể đảo ngược, khi mực nước biển dâng cao do các sông băng tan chảy, khiến các cộng đồng dân cư ven biển đang bị tàn phá nặng nề bởi những cơn bão nhiệt đới.
Các loài động vật cũng bị đuổi khỏi nơi chúng sinh sống, chỉ vì Trái đất đang thay đổi quá nhiều, quá nhanh.
Theo một báo cáo gần đây được đăng tải trên tạp chí National Geographic, các nhà khoa học cho biết có hơn 4.000 loài từ khắp nơi trên thế giới đang di chuyển khỏi nơi chúng từng sinh sống, để tới một môi trường khác.
Sự nóng lên cũng đang làm thay đổi thời gian của các chu kỳ sinh học. Trên toàn cầu, nhiều loài động vật như chim, ếch và các loài côn trùng đang sinh sản sớm hơn.
Điều này khi kết hợp với quá trình sinh trưởng của cây cối bị xáo trộn, có thể thay đổi toàn bộ hệ sinh thái của một khu vực rộng lớn, để lại những tác động nghiêm trọng.
Dữ liệu vệ tinh có thể làm gì?
Cedric David, nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Động cơ Phản lực (JPL) của NASA ở Nam California, cho biết, cách duy nhất để chúng ta nhìn thấu mối liên hệ giữa các hiện tượng thời tiết bất thường đang diễn ra trên Trái Đất, là tận dụng những dữ liệu từ vệ tinh.
Theo chuyên gia này, dữ liệu vệ tinh có thể được xem như “đội quân canh gác vũ trụ” từ không gian, giúp chúng “chẩn đoán sức khỏe của hành tinh”.
“NASA và các cơ quan vũ trụ quốc tế truyền cảm hứng cho nhân loại bằng việc khám phá các hành tinh trong không gian”, David cho biết. “Nhưng nghiên cứu vũ trụ cũng mang đến những hiểu biết vô cùng giá trị về hành tinh của chúng ta”.
“Chúng giống như những bức vẽ, mà họa sĩ là các vệ tinh ngoài không gian, đang tái hiện lại những gì mà chúng ta phải đối mặt trên Trái Đất theo một cách tổng thể”.
Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật, chúng ta đang làm điều đó ngày một tốt hơn và hoàn thiện hơn. Thí dụ, các vệ tinh có máy đo quang phổ có thể tiết lộ nồng độ carbon dioxide trong khí quyển của chúng ta.
Tại đó, việc phát hiện thấy nhiều carbon dioxide hơn trong khí quyển có nghĩa là hiệu ứng khí nhà kính “siêu tăng áp” sẽ ngày một trầm trọng.
Một số vệ tinh như Landsat của NASA lại có thể thu thập hình ảnh trực quan về hiện tượng thu hẹp kích thước của các khu rừng do ảnh hưởng của quá trình lâm nghiệp, và cách chúng nhường chỗ cho các dự án thương mại.
Hình ảnh từ vệ tinh cũng có thể giúp theo dõi những yếu tố như thay đổi môi trường sống của động vật, cách chúng buộc phải di cư, hay nguồn cung cấp thức ăn giảm dần cho một số loài.
Một số vệ tinh có thể dùng tia laser đo tốc độ băng tan. Một số khác có radar khẩu độ tổng hợp, cho thấy cách hành tinh của chúng ta phản ứng với động đất, cũng đo tần suất các trận động đất gia tăng khi Trái Đất ấm lên.
Cũng không thể không nhắc tới trọng lực.
Theo đó, vệ tinh đo trọng lực giúp các nhà khoa học đo lường sự ảnh hưởng của lực hấp dẫn trên Trái Đất.
Do lực hấp dẫn có mối tương quan trực tiếp với các vật thể có khối lượng, nên kỹ thuật này có thể đo chính xác thời điểm khối lượng băng bị mất, mực nước biển dâng cao như thế nào, hay thậm chí cả sự biến động trong nguồn cung cấp nước ngầm.
“Làm việc tại NASA trong 10 năm, tôi đã chứng kiến rất nhiều quan sát từ xa khiến tôi thực sự phải dừng lại để suy ngẫm”, David nói. “Đối với tôi, điều đáng kinh ngạc nhất là trọng lực”.
Theo chuyên gia tới từ NASA, dữ liệu từ vệ tinh đang mang đến những bằng chứng không thể chối cãi, cho thấy khí hậu của chúng ta đang thay đổi với tốc độ chóng mặt.
Đây sẽ là yếu tố quyết định, để chúng ta có được các phương án cần thiết, nhằm bảo vệ và duy trì nòi giống của mình trên Hành tinh Xanh.