Để trả lời câu hỏi này, trước hết chúng ta cùng tìm hiểu núi hình thành như thế nào và vì sao ngọn Everest cùng dãy Himalaya lại cao đến vậy.
Có một cách để núi hình thành là khi hai mảng kiến tạo va chạm với nhau. Khi đó, một mảng bắt đầu chìm xuống còn mảng kia với lớp phủ bị nghiền nát sẽ trồi lên và biến thành những ngọn núi.
Theo nhà địa chất học Rob Butler ở Trường đại học Aberdeen, Scotland, chiều cao của những ngọn núi hình thành theo cách đó tùy thuộc vào nhiều yếu tố, như là độ dày của lớp phủ – được xác định bởi cường độ và thời gian va chạm, và nhiệt độ của lớp phủ – được xác định bởi tuổi của nó, nhưng quan trọng nhất vẫn là yếu tố bào mòn.
Ông giải thích rằng bào mòn ảnh hưởng nhiều đến mức các ngọn núi ở dãy Himalaya là một trong những hệ thống đá mọc cao lên nhanh nhất thế giới. Đó là do một nguyên tắc gọi là đẳng tĩnh. Giống như một chiếc tàu chở hàng trên đại dương, vật chất được chồng lên lớp phủ Trái Đất càng ít thì nó càng nổi lên trên lớp vỏ nhiều hơn (lớp vỏ là tầng giữa của Trái Đất).
Như vậy, càng nhiều vật chất được lấy đi khỏi từ một ngọn núi, cho dù là do một con sông, một sông băng hay mưa lớn và lở đất, thì những ngọn núi xung quanh càng mọc lên cao hơn.
Trên thực tế, một nghiên cứu năm 2024 phát hiện ra rằng sự bào mòn nhanh chóng của một mạng lưới sông dài hơn 72 km từ núi Everest đã làm cho đỉnh núi này cao thêm từ 15 đến 50 mét trong vòng 89.000 năm qua.
Mặc dù bào mòn là một trong những yếu tố dẫn đến việc núi tăng chiều cao nhưng yếu tố này cũng là một trong những nguyên nhân khiến núi thấp đi.
Đồng tác giả của nghiên cứu năm 2024 nói trên, nhà địa chất học Matthew Fox ở Trường đại học London, Anh, giải thích rằng cho dù là núi cao lên hay thấp đi đều phụ thuộc vào sự cân bằng giữa tốc độ bào mòn và tốc độ dâng lên. Nếu tốc độ dâng lên lớn hơn thì núi sẽ cao thêm và ngược lại nếu tốc độ bào mòn lớn hơn thì núi sẽ thấp đi.
Một số nhà khoa học cho rằng ngọn núi Nanga Parbat, một trong những “hàng xóm” của Everest, cũng thuộc dãy Himalaya, đang cao lên đủ nhanh để một ngày nào đó sẽ “soán ngôi” của Everest.
Tuy nhiên, hai nhà địa chất học Butler và Fox không nghĩ điều đó sẽ xảy ra. Mặc dù Nanga Parbat đang cao lên với tốc độ nhanh hơn Everest do bào mòn xảy ra nhanh hơn, nhưng nó cũng bị xói mòn nhanh không kém do cường độ gió mùa ở khu vực này. Ngược lại, Everest bị xói mòn chậm hơn nên nó vẫn luôn cao hơn Nanga Parbat 610 mét.
Tuy nhiên, nhà địa chất học Butler không loại trừ khả năng một ngày nào đó một ngọn núi khác trên dãy Himalaya sẽ “lên ngôi”.
Theo ông, các yếu tố thời tiết có thể thay đổi theo thời gian, làm thay đổi tốc độ dâng cao của các đỉnh núi. Ông nói rằng sự va chạm các mảng kiến tạo ở đây vẫn tiếp tục trong 10 triệu năm tới và còn nhiều thời gian để các yếu tố và biến số gây tác động.
Mặc dù vậy, ông cũng cho rằng rất khó để một ngọn núi khác vượt lên trên Everest. Dãy Himalaya nằm ở vị trí thuận lợi, các ngọn núi hình thành do sự kiện va chạm rất mạnh và kéo dài với lớp phủ lạnh và tốc độ bào mòn cao do gió mùa. Núi ở đây cũng bị các dãy núi xung quanh bao bọc, chừa lại rất ít chỗ cho lớp phủ thoát ra ngoài trong quá trình va chạm.
“Nếu bạn đè bẹp mọi thứ, chúng sẽ trồi thẳng lên hoặc đi sang ngang. Và khi đi ngang, chúng không còn chỗ thì buộc phải trồi lên.” – ông lấy ví dụ.
Ngoài ra, rất hiếm khi tất cả các yếu tố tác động xảy ra cùng nhau. Đồng thời, lực hấp dẫn trên Trái Đất cũng quá lớn nên sẽ không cho phép một ngọn núi khác cao hơn nhiều so với chiều cao của Everest hiện nay.
“Nếu nói về vài mét hoặc vài trăm mét thì có thể một ngày nào đó một ngọn núi khác có thể vượt qua Everest, nhưng một độ cao đáng kinh ngạc, như là tới 10km thì tôi nghĩ là không thể có được,” nhà địa chất học Butler nhận xét.