Nam Cực từng là một khu rừng nhiệt đới xanh tươi, đầy cây cao chót vót và những loài thực vật bí ẩn, không phải là nơi băng tuyết bao phủ vô tận như ngày nay.
Điều này nghe có vẻ giống như trong phim khoa học viễn tưởng, nhưng nhờ một khám phá bất ngờ, các nhà khoa học đã tìm ra bằng chứng cho thấy lục địa băng giá này xưa kia là một khu rừng rậm rạp.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra những mảnh hổ phách đầu tiên vào năm 2017 trong một chuyến thám hiểm Nam Cực. Từ những hiện vật nhỏ bé này, chúng ta có được dữ liệu sơ bộ về một khung cảnh 90 triệu năm trước của Nam Cực rực rỡ như bất kỳ thiên đường nhiệt đới nào ngày nay.
Những mảnh hổ phách nhỏ xíu có kích thước chỉ khoảng 1mm nhưng nắm giữ bí mật to lớn về quá khứ của vùng đất băng giá này.
Hổ phách được cho là có nguồn gốc từ rừng cây lá kim, loài cây mọc xum xuê ở đây từ hàng triệu năm trước. Những cây tạo ra hổ phách phải sống sót qua nhiều tháng trong bóng tối hoàn toàn vào giữa Kỷ Phấn trắng.
Nếu sống sót, chúng sẽ để lại những dấu vết là rễ, bào tử và cả phấn hoa hóa thạch. Và ở Nam Cực, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những bằng chứng này, chứng tỏ nơi đây từng là rừng rậm.
Việc phát hiện ra hổ phách là bằng chứng rõ ràng cho thấy cây có nhựa đã sinh trưởng mạnh mẽ ở Nam Cực vào một thời điểm nào đó.
Tìm thấy hổ phách ở Nam Cực không chỉ bổ sung một chương vào câu chuyện cổ xưa của Trái Đất, mà còn chứa đựng manh mối dự đoán cho tương lai của chúng ta.
Thời gian giữa Kỷ Phấn trắng, hành tinh này là một thế giới nhà kính, một mẫu hình cho hiện tại đang nóng lên của Trái Đất hôm nay và rất có thể là trong những thế kỷ sắp tới.
Qua phân tích các mảnh hổ phách tìm thấy ở Nam Cực, các nhà khoa học hy vọng hiểu được cách mà sự sống thích nghi với điều kiện môi trường khắc nghiệt.
Những điều kiện thiên nhiên cực đoan tương tự có thể một ngày nào đó sẽ trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Biết được những loài cây, những con côn trùng xưa kia bằng cách nào mà tồn tại và sống sót qua mùa đông dài tăm tối và phát triển trở lại sẽ là chìa khóa giúp chúng ta chuẩn bị cho chặng đường dài phía trước.
Ở đó, chúng ta phải ứng phó với sự biến đổi của môi trường tự nhiên, nhất là khi các núi băng ở Nam Cực tiếp tục tan chảy với tốc độ ngày càng nhanh hơn.