Mới đây, Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) chia sẻ những hình ảnh lên mạng xã hội về quá trình sinh hoạt của các phi hành gia.
Loạt ảnh này cho thấy 2 phi hành gia người Mỹ là Butch Wilmore và Sunita Williams cùng nhau thưởng thức bữa tiệc pizza. Mặc dù cả 2 đều thể hiện thái độ vui vẻ, nhiều cư dân mạng nhận thấy gương mặt của Sunita Williams đã trở nên ốm và hốc hác hơn rất nhiều so với lúc bà ở trên Trái Đất.
Nhiều cư dân mạng đã bày tỏ sự lo lắng và đặt câu hỏi liên quan đến sức khỏe của nữ phi hành gia Sunita Williams. “Sunita có ổn không? Sức khỏe bà ấy thế nào?”, một người dùng Instagram bày tỏ sự quan tâm khi nhìn thấy gương mặt hốc hác của Sunita Williams.
“Có vẻ như 2 phi hành gia bị mắc kẹt trên ISS không được khỏe, đặc biệt là Sunita Williams”, một cư dân mạng khác bình luận.
Sở dĩ nhiều người lo lắng cho sức khỏe của nữ phi hành gia Sunita Williams, là vì bà và đồng nghiệp Butch Wilmore bị mắc kẹt ngoài không gian lâu hơn dự kiến.
Trước đó, vào ngày 5/6, tàu vũ trụ Starliner của Boeing đã được phóng thành công, đưa Butch Wilmore và Sunita Williams lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Dự kiến 2 phi hành gia này ở lại ISS trong một tuần trước khi trở về Trái Đất.
Tuy nhiên, sau khi Starliner cập bến ISS, các chuyên gia phát hiện con tàu này gặp sự cố rò rỉ nhiên liệu.
Trong quá trình sửa chữa con tàu Starliner, các chuyên gia phát hiện thêm các điểm rò rỉ trên tất cả động cơ đẩy của con tàu. Điều này buộc 2 phi hành gia Butch Wilmore và Sunita Williams sẽ phải ở lại trên ISS ít nhất đến năm 2025 mới có thể quay trở về Trái Đất.
Như vậy, từ một chuyến đi dự kiến kéo dài trong một tuần, 2 phi hành gia của NASA đã bị mắc kẹt ngoài không gian hơn nửa năm và vẫn chưa rõ thời điểm có thể quay trở lại Trái Đất.
Việc ở lại ngoài không gian lâu hơn dự kiến khiến nhiều người lo ngại cho sức khỏe của 2 phi hành gia người Mỹ.
Bác sĩ chuyên khoa phổi Vinay Gupta tại Seattle cũng bày tỏ sự lo lắng với việc 2 phi hành gia bị mắc kẹt quá lâu ngoài không gian.
“Những gì bạn thấy trong bức ảnh là một người mà tôi nghĩ đang phải trải qua những căng thẳng tự nhiên của việc sống ở độ cao rất lớn, ngay cả trong cabin áp suất, suốt thời gian dài”, bác sĩ Vinay Gupta chia sẻ.
“Họ đang ăn thực phẩm rất giàu calo vì cơ thể con người đốt cháy nhiều calo hơn trong không gian, nhưng đây không hẳn là một chế độ ăn cân bằng”, bác sĩ Gupta chia sẻ thêm.
Thời gian sống trên vũ trụ càng lâu, các phi hành gia sẽ phải chịu đựng nhiều áp lực rất dữ dội ảnh hưởng đến cơ thể, chẳng hạn như sự phân phối của các chất lỏng trong cơ thể khiến họ rất khó để thích nghi khi quay trở lại Trái Đất.
Nhiều phi hành gia sẽ đối mặt với tình trạng mất mật độ xương và teo cơ. Mặc dù trên trạm ISS có thiết kế phòng tập thể dục để giúp các phi hành gia có thể vận động, nhưng vẫn không thể tránh khỏi tình trạng bị mất cơ bắp và tổn thương xương, khớp.
Các phi hành gia sẽ phải mất vài năm để hồi phục sức khỏe hoàn toàn sau 6 tháng làm việc trên vũ trụ. Dù vậy, họ vẫn phải đối mặt với các di chứng về sức khỏe như nguy cơ gãy xương cao hơn hay nguy cơ bị ung thư…
Một vấn đề khác mà nhiều phi hành gia phải đối mặt sau thời gian dài làm việc trên vũ trụ đó là những tổn thương về mặt tâm lý và cảm xúc, khi họ thường xuyên phải làm việc một mình và cách xa người thân trong một thời gian dài.
Cuối tháng trước, một nhóm 4 phi hành gia đã trở về Trái Đất sau 235 ngày làm việc trên ISS, lâu hơn so với các chuyến bay thông thường lên ISS chỉ 6 tháng.
Một trong 4 phi hành gia này đã được đưa đến bệnh viện khẩn cấp để kiểm tra tình trạng sức khỏe, nhưng NASA không nói rõ lý do cũng như tình trạng của người này.