Cảm xúc hoài cổ đôi khi trở thành trào lưu và dường như các nhà khoa học cũng không tránh khỏi tâm trạng đó. Nhưng niềm đam mê kỳ lạ của họ với quá khứ được thúc đẩy bởi những mục đích cụ thể.
Ví dụ gần đây chúng ta biết đến một nghiên cứu nhằm mục đích “trả lại voi ma mút lông xù” cho thế giới vào năm 2028 do các nhà khoa học ở công ty khởi nghiệp Colossal Biosciences thực hiện dưới sự tài trợ của những người nổi tiếng. Mục đích cuối cùng của nghiên cứu này là góp phần đảo ngược tình trạng ấm lên toàn cầu.
Hiện nay, các chuyên gia cũng đang nỗ lực hồi sinh thực vật sống từ thời Kinh thánh ra đời để nghiên cứu sự tiến hóa và đa dạng di truyền của chúng, nhằm thúc đẩy y học hiện đại.
Vào những năm 1980, các nhà khảo cổ học ở Israel đã tìm thấy một thứ được cho là hạt giống nguyên sơ trong một hang động ở sa mạc Judean, nhưng mãi đến năm 2012, Tiến sĩ Sarah Sallon, sáng lập viên của Trung tâm Nghiên cứu Y học tự nhiên, Jerusalem, mới cho gieo hạt này với hy vọng nó sẽ mọc thành cây.
Một tuần sau khi được ươm, hạt đã nảy mầm, và sau khi xét nghiệm, hạt giống này được xác định có niên đại lên đến 1.000 năm tuổi. Nó thuộc chi Commiphora, họ cây mộc dược.
Ngày nay chúng ta biết đến mộc dược là một loài cây được nhắc đến trong Kinh thánh với câu chuyện về ba nhà thông thái tỏ lòng tôn kính khi chúa Giê-su ra đời.
Mặc dù vẫn chưa biết chắc về nguồn gốc cụ thể của cây “bí ẩn” được tìm thấy này, các nhà nghiên cứu cho rằng nó có thể là loài cây người xưa đã dùng để chiết xuất dược liệu, và được Kinh thánh nhắc đến bằng cái tên “tsori”.
Nhóm nghiên cứu đặt tên cho cây này là “sheba” theo tên của Nữ hoàng của vùng Sheba, tây nam Ả Rập, khoảng 1.000 năm trước Công nguyên. Cây sheba hiện đã cao 3 mét nhưng vẫn chưa ra hoa.