Ma có thật hay không? Điều đó còn tùy thuộc. Thế nhưng, cần khẳng định rằng, khoa học hiện tại chưa thể chứng minh rằng có những linh hồn đi xuyên qua tường hoặc hét lên dưới sàn nhà.
Tuy nhiên, những lần nhìn thấy hiện tượng ma quái của chúng ta chắc chắn là cảm giác có thật. Nếu như ma không tồn tại, chẳng lẽ bộ não đang đánh lừa chúng ta?
Bạn muốn tin rằng ma có thật
Con người đã phát hiện ra những thứ ma quái, để rồi khái niệm bóng ma từ đó cũng xuất hiện. Ở một mức độ nào đó, chúng ta có thể giải thích hiện tượng này.
Ngay cả với những người bình thường nhất trong số chúng ta, vẫn có điều gì đó thôi thúc, khiến ta không thể cưỡng lại được cảm giác muốn khám phá những bí ẩn liên quan tới ngôi nhà ma ám, hay những linh hồn báo thù.
Đôi khi, sự hy vọng nhìn thấy một bóng ma là tất cả những gì để ta thực sự nhìn thấy chúng.
Chris French, nhà nghiên cứu tâm lý học dị thường tại Đại học London, cho biết: “Chúng ta có xu hướng như vậy vì tâm trí con người rất dễ bị ám thị”.
Theo chuyên gia này, chúng ta đã tiến hóa để tiếp nhận các tín hiệu từ thế giới bên ngoài như một cách để thoát khỏi các mối đe dọa luôn hiện hữu. Vì vậy, khi một gợi ý xuất hiện đúng lúc, nó có thể khiến chúng ta nhìn thấy những thứ không có ở đó.
Sự kỳ quặc về mặt tinh thần này mạnh mẽ đến mức nó có thể đánh lừa chúng ta ngay cả trong thời gian thực.
Trong một nghiên cứu khác do French thực hiện, những người tham gia cho biết họ nhìn thấy một chiếc chìa khóa bị uốn cong theo ý muốn của họ, chỉ vì những người đứng cạnh nói rằng họ cũng nhìn thấy sự việc kỳ lạ đó xảy ra.
Rõ ràng, tâm lý mong muốn được khám phá, hoặc tận mắt nhìn thấy thứ gì đó, khiến chúng ta dễ tiếp cận những thứ ngay cả khi nó không tồn tại.
Não khiến bạn nhìn thấy thứ mà đáng lẽ không thể
Những hiện tượng ma quái có thể là kết quả của những vấn đề lớn hơn trong não của chúng ta, cụ thể là chất xám.
Đối với một số người, việc nghe thấy tiếng nói hoặc trải nghiệm một vài hình ảnh kỳ lạ có thể là dấu hiệu sớm của các tình trạng bệnh lý như tâm thần phân liệt.
Đối với những người trải qua nỗi đau mất mát người thân, nỗi nhớ về hình bóng của họ có thể khiến não “triệu hồi” các linh hồn như một phương thức để đối phó với chấn thương tâm lý.
Điều đó hình thành nên những “cuộc gặp gỡ” sống động giữa người sống và linh hồn, thứ được các nhà tâm lý học gọi là “giao tiếp sau khi chết”.
Nó từ lâu đã nằm trong số những loại trải nghiệm huyền bí phổ biến nhất, ảnh hưởng đến cả những người hoài nghi và những người tin tưởng.
Ngay cả với những người không mắc bệnh tâm thần, những thay đổi tạm thời trong hoạt động của não cũng có thể dẫn đến việc bạn cảm thấy như “chạm trán với hồn ma”.
Các nhà khoa học từng mất hàng thập kỷ, nhưng vẫn chưa thể giải mã hiện tượng “liệt trong giấc ngủ”, khi vẫn giữ được cảm giác có ý thức nhưng không thể cử động.
Một số người cho rằng nó xảy ra khi não giao thoa giữa giai đoạn nhận thức có ý thức và giai đoạn ngủ REM (giấc ngủ mắt chuyển động nhanh).
Các nền văn hóa khác nhau có cách gọi tên khác nhau cho hiện tượng kỳ lạ này. Thí dụ ở Campuchia, một số người nói rằng đó là “con ma đẩy nạn nhân xuống”. Trong khi ở Nigeria, người dân địa phương lại gọi nó bằng cái tên khác: “con quỷ ngồi lên lưng bạn”.
Tâm trí lừa dối chúng ta?
Trong những năm gần đây, các nhà thần kinh học đã xác định được nguyên nhân tiềm ẩn khiến chúng ta có cảm giác bị ai đó hoặc thứ gì đó ám ảnh.
Nghiên cứu cho thấy các cơn động kinh ở thùy thái dương – khu vực não xử lý trí nhớ hình ảnh và ngôn ngữ – có thể kích hoạt các cơn động kinh. Trong khi, các rối loạn tín hiệu ở vùng não này có thể khiến chúng ta cảm thấy như được kết nối với các thế giới khác.
Nghiên cứu thực tế cho thấy, những bệnh nhân có tiền sử mắc các vấn đề như vậy thường tin vào các hiện tượng tâm linh, huyền bí.
Trong dân gian, người ta thường đồn nhau rằng, ma có xu hướng xuất hiện trong khoảng thời gian từ 2 đến 4 giờ sáng. Kỳ lạ thay, đây cũng chính là thời điểm mà các cơn động kinh này xảy ra thường xuyên nhất.
Chúng ta cũng có thể trở thành nạn nhân của sự nhầm lẫn ảo giác.
Trong một nghiên cứu thực hiện vào năm 2014, các nhà khoa học thần kinh tới từ Thụy Sĩ đã bịt mắt một nhóm những người tham gia, sau đó nối tay họ với một cỗ máy theo dõi chuyển động của ngón tay.
Khi các đối tượng cử động ngón tay, một phần phụ của robot phía sau họ đồng thời chạm vào lưng họ theo cùng một phương thức. Đa số đều ngay lập tức nhận ra tác động này.
Nhưng khi nhóm nghiên cứu quyết định ngưng các chuyển động bắt chước của thiết bị trong vài mili-giây, một số người nói rằng, họ vẫn cảm thấy một ngón tay đang chọc vào lưng họ, như thể có một sự hiện diện thần bí nào đó đằng sau họ.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, những chuyển động bị ngưng trệ có thể gây ra sự xung đột tạm thời với não bộ, tại nơi kiểm soát các tín hiệu cảm giác và vận động.
Hiện tượng “cảm giác có sự hiện diện” này cũng có ý nghĩa chung đối với những hiện tượng siêu nhiên xung quanh chúng ta.
Nếu một sự chậm trễ nhỏ trong chuyển động của hệ thần kinh là đủ để triệu hồi một linh hồn, thì có lẽ bộ não siêu việt và chưa thể được giải mã của chúng ta vốn dĩ có khuynh hướng ở một mức độ nào đó vẫn tin rằng, ma quỷ là có thật.
Để rồi khi chúng ta lớn lên, nhưng những cảm giác đó không bao giờ biến mất.