Khoa học - Công nghệ

Khoảnh khắc rắn độc trườn lên giường ngủ giữa đêm tại Lâm Đồng

Khoảnh khắc rắn độc trườn lên giường ngủ giữa đêm tại Lâm Đồng - 1

Clip rắn bò vào giường ngủ khiến người xem rùng mình

Đoạn clip gây sốc được nam thanh niên sống tại thị trấn Di Linh, tỉnh Lâm Đồng ghi lại, khi anh trở về nhà vào đêm tối. Trong clip, một con rắn đang trườn chậm rãi xuống phía dưới gối trên giường ngủ để lẩn trốn, chỉ để lộ một phần thân.

Chủ nhân đoạn clip cho biết anh đã giật mình khi phát hiện con rắn trên giường. Anh cảm thấy may mắn vì đã về nhà muộn và kịp thời phát hiện con rắn, nếu không, không biết điều gì có thể xảy ra nếu con vật trườn lên giường khi anh đang ngủ say.

Con rắn có thể đã chui qua cửa sổ phòng ngủ đang mở và trườn lên giường. Chủ nhân đoạn clip cho biết anh đã “xử lý” con rắn trước khi nó kịp gây nguy hiểm cho gia đình.

Sự việc không chỉ khiến chàng trai trong đoạn clip hoảng hồn, mà còn khiến nhiều cư dân mạng rùng mình sau khi đoạn video được chia sẻ trên mạng.

Con rắn độc trong đoạn clip là loài gì?

Dựa vào phần thân của con rắn trong clip, có thể nhận ra đây là một cá thể rắn cạp nia nam.

Rắn cạp nia nam, còn gọi là rắn cạp nia Mã Lai, rắn hổ khoang, có tên khoa học Bungarus candidus, là một loài thuộc chi cạp nia, họ rắn hổ, sở hữu nọc độc nguy hiểm chết người.

Loài rắn này phân bố tại các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Campuchia, Lào, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Tại Việt Nam, loài rắn này phân bố từ tỉnh Quảng Bình trở vào phía Nam.

Khoảnh khắc rắn độc trườn lên giường ngủ giữa đêm tại Lâm Đồng - 1

Hình ảnh phân biệt giữa rắn cạp nia nam và cạp nia bắc. Cả hai đều có những khoanh đen trắng và sống lưng nhô cao đặc trưng (Ảnh: TL).

Tên gọi “cạp nia nam” để chỉ phạm vi phân bố của loài rắn này và phân biệt với “cạp nia bắc”, một loài rắn khác thuộc chi cạp nia, nhưng phân bố chủ yếu từ Nghệ An trở ra các tỉnh phía Bắc.

Rắn cạp nia nam thường sống ở môi trường rừng rậm nhiệt đới, đất ẩm ướt gần nguồn nước, ruộng lúa, đất nông nghiệp… Loài rắn này thường được bắt gặp ở độ cao từ 250 đến 300m, hiếm khi tìm thấy ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển.

Rắn cạp nia nam là loài kiếm ăn ban đêm và thường tỏ ra chậm chạp, nhút nhát vào ban ngày. Thức ăn chủ yếu của chúng là thằn lằn, động vật lưỡng cư, động vật gặm nhấm. Chúng cũng có thể ăn một số loài rắn khác.

Rắn cạp nia nam nói riêng và loài cạp nia nói chung nổi bật với thân hình có các vạch đen, trắng xen kẽ, phần thân hình tam giác với phần sống lưng nhô cao. Những cá thể rắn cạp nia nam trưởng thành có thể dài từ 0,8 đến 1,3m, đôi khi có thể dài đến 1,6m nhưng hiếm gặp.

Rắn cạp nia nam độc đến mức nào?

Rắn cạp nia nam nói riêng và loài cạp nia nói chung được đánh giá là một trong những loài rắn độc nhất trên cạn. Dù sở hữu nọc độc nguy hiểm, rắn cạp nia lại là loài nhút nhát và luôn tìm cách lẩn trốn khi đụng độ với con người.

Tuy nhiên, loài rắn này lại có một đặc tính rất nguy hiểm, đó là thích chui rúc vào những khoảng hẹp để trốn, do vậy chúng có thể trườn vào nhà và nấp vào những vị trí khuất trong nhà như góc tường, dưới chân tủ, gầm giường hoặc đôi khi ẩn nấp ngay dưới gối như trong đoạn clip kể trên.

Dù loài rắn này không chủ động tấn công con người, nhưng vì chúng thường lẩn trốn ở những vị trí khuất và khó nhìn thấy trong nhà, do vậy nếu con người vô tình chạm hoặc giẫm trúng có thể bị rắn cạp nia cắn.

Khoảnh khắc rắn độc trườn lên giường ngủ giữa đêm tại Lâm Đồng - 2

Rắn cạp nia nam sở hữu nọc độc chết người, nhưng thường tìm cách lẩn trốn, tránh đối đầu với con người (Ảnh: TNP).

Một đặc điểm khác của loài rắn này đó là cú cắn thường ít khi gây đau nhức, thậm chí vết cắn có thể nhẹ đến mức những người đang ngủ say không hay biết mình đã bị rắn cắn. Chính điều này có thể gây ra nguy hiểm cho nạn nhân, bởi lẽ họ không biết được mình đã bị rắn độc cắn nên không được mang đến bệnh viện kịp thời.

Loài rắn này sở hữu nọc độc thần kinh. Ngay cả khi người tỉnh táo bị rắn cắn, vết cắn sẽ chỉ có cảm giác hơi ngứa và tê, không gây ra sưng tấy hoặc đau nhức cho nạn nhân, khiến nhiều người chủ quan.

Tuy nhiên, nếu không được cấp cứu kịp thời, nọc độc của rắn cạp nia sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây ra các triệu chứng sa mí mắt, đau tức ngực, đau nhức toàn thân, tay chân yếu, mất giọng nói, khó thở… và cuối cùng dẫn đến tử vong.

Cần làm gì khi rắn cạp nia bò vào nhà?

Rắn cạp nia có đặc điểm dễ nhận dạng, do vậy nếu mọi người bắt gặp loài rắn này ngoài tự nhiên, hãy tìm cách tránh xa chúng để tránh bị cắn.

Trong trường hợp rắn cạp nia bò vào nhà, bạn cần phải hết sức bình tĩnh, giữ khoảng cách an toàn với rắn, sử dụng điện thoại để gọi cho những người có chuyên môn về rắn hoặc lực lượng cứu hộ địa phương để nhờ giúp đỡ.

Khoảnh khắc rắn độc trườn lên giường ngủ giữa đêm tại Lâm Đồng - 3

Rắn cạp nia là loài rắn độc có đặc điểm rất dễ nhận dạng, do vậy mọi người hãy tìm cách tránh xa loài rắn này để đảm bảo an toàn (Ảnh: Natthaphat Chotjuckdikul).

Trong khi chờ lực lượng cứu hộ hoặc nhóm giải cứu rắn đến hiện trường, người dân cần phải luôn để mắt đến rắn, tránh để con vật chạy khỏi tầm mắt và lẩn trốn vào những góc khuất trong nhà.

Nếu không thể liên lạc với lực lượng cứu hộ hoặc các chuyên gia bò sát, người dân có thể sử dụng sào, cán chổi dài… và một cái thùng để đựng rắn. Sau đó, sử dụng sào hoặc cán chổi để lùa hoặc móc rắn cho vào thùng, đậy nắp chặt để tránh rắn trốn thoát.

Nếu không thể bắt giữ hoặc di dời rắn đi nơi khác để tránh gây nguy hiểm, người dân có thể chọn giải pháp cuối cùng đó là tìm cách tiêu diệt con vật để đảm bảo an toàn cho tính mạng của bản thân và gia đình.

Nếu không may bị rắn cắn, cần trấn an nạn nhân bình tĩnh, tránh vận động nhiều khiến tim đập nhanh, đặt vị trí vết cắn thấp hơn tim để tránh nọc độc lan truyền nhanh hơn, sau đó đưa nạn nhân đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Những biện pháp như rạch vết thương, hút chất độc, đắp lá thuốc… có thể khiến tình trạng nạn nhân càng thêm nghiêm trọng.

Shares:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *