Mặt Trời đang bước vào giai đoạn cực đại hoạt động trong chu kỳ 11 năm, với sự xuất hiện liên tiếp và dữ dội của các đốm mặt trời, bão mặt trời và các vụ phun trào nhật hoa. Điều này dự báo sẽ có nhiều hiện tượng xáo trộn trong những tháng tới.
Tuy nhiên, thời điểm chính xác khi Mặt Trời hoạt động mạnh nhất vẫn chưa thể xác định.
Hiểu biết của con người về những chu kỳ này vẫn còn hạn chế. Các nhà khoa học chưa thể giải đáp nguyên nhân tạo nên chu kỳ đó, và gần như không biết gì về hoạt động bên trong Mặt Trời.
Mặc dù mỗi chu kỳ kéo dài 11 năm, nhưng không hoàn toàn chính xác như vậy. Các nhà khoa học vẫn chưa thể dự đoán chính xác độ dài của chu kỳ, thời điểm cực đại và cực tiểu, cũng như mức độ mạnh nhất của nó.
Nhà vật lý thiên văn Michael Wheatland từ Đại học Sydney, Australia, cho biết: “Chúng ta không hiểu hết về động lực của Mặt Trời, thứ sinh ra từ trường mà chúng ta quan sát được trên các đốm mặt trời, và cũng là thứ sinh ra các cơn bão mặt trời. Đây là một trong những vấn đề phức tạp nhất của vật lý thiên văn.”
Chúng ta biết rằng một chu kỳ mặt trời có biểu hiện gì. Dữ liệu quan trọng nhất là các đốm mặt trời, tức là các vùng có từ trường tạm thời cực mạnh và nhiễu loạn, ức chế dòng plasma nóng khiến cho vùng này có nhiệt độ thấp hơn và tối hơn xung quanh.
Cực đại mặt trời là khi có nhiều đốm nhất và cùng với chúng là những vụ nổ mạnh nhất. Khi các đường sức từ phức tạp trong các đốm mặt trời tách ra và kết nối lại, chúng tạo thành những chùm ánh sáng và năng lượng mạnh mẽ, đó là lúc xảy ra các cơn bão mặt trời.
Đôi khi, những vụ nổ này còn phóng ra hàng tỷ tấn hạt mặt trời và từ trường đi khắp Hệ, đó là những vụ phun trào nhật hoa. Cả hai hiện tượng này đều ảnh hưởng đến Trái Đất. Bão mặt trời làm tê liệt radio. Phun trào nhật hoa va vào từ trường Trái Đất tạo nên bão địa từ.
Những sự kiện đó còn có thể nguy hiểm hơn nếu chúng sinh ra dòng điện làm hỏng lưới điện, gián đoạn thông tin liên lạc và điều hướng, tác động đến hoạt động của vệ tinh. Tuy thế, đôi khi chúng cũng tạo nên cực quang tuyệt đẹp khi các hạt mặt trời tương tác với các hạt trong khí quyển Trái Đất. Đó chính là lý do vì sao chúng ta chứng kiến nhiều lần cực quang trong năm nay.
Chu kỳ mặt trời hiện nay mạnh hơn khá nhiều so với dự đoán ban đầu của NASA và NOAA, nhưng vẫn chưa phải là chu kỳ mạnh nhất mà chúng ta từng thấy. Cơn bão mạnh nhất trong chu kỳ này cho đến nay có cấp độ X9.0 vào ngày 4/10 vừa qua. Nó nằm trong số 20 cơn bão mặt trời mạnh nhất chúng ta từng ghi nhận.
Mặc dù những dự đoán công bố chính thức về chu kỳ lần này thấp hơn những gì thực tế đang diễn ra, nhưng cũng có một số nhà khoa học đã dự báo chính xác hơn. Điều đó cho thấy hoạt động của Mặt Trời vẫn còn nhiều bí ẩn, đồng thời ở góc độ khác cũng có thể nói chúng ta có khả năng dự báo tốt hơn về hoạt động của ngôi sao này trong tương lai.
Nói ngắn gọn là sắp tới Trái Đất có thể sẽ phải đối mặt với thời tiết giông bão trong không gian và có cơ hội mở rộng những kiến thức mới hấp dẫn về cách mà Mặt Trời bí ẩn của chúng ta hoạt động.