NASA vừa xác nhận tàu thăm dò Parker Solar Probe (PSP) đã thực hiện thành công chuyến bay gần Mặt Trời nhất từ trước đến nay vào ngày 24/12, đạt khoảng cách chỉ 6 triệu km so với bề mặt Mặt Trời, tương đương 0,04 đơn vị thiên văn (AU).
Trong đó, tất cả hệ thống của tàu vẫn hoạt động ổn định, đánh dấu một kỳ tích chưa từng có trong hành trình khám phá vũ trụ.
Đây là cột mốc lịch sử khi con người lần đầu tiên gần như “chạm” vào ngôi sao trung tâm của Hệ Mặt Trời.
Với vận tốc đạt 692.000 km/h, tàu thăm dò Parker không chỉ phá vỡ kỷ lục về khoảng cách mà còn trở thành vật thể nhân tạo nhanh nhất từng được chế tạo, di chuyển với tốc độ tương đương 0,064% tốc độ ánh sáng.
Phát biểu về sự kiện này, bà Nicky Fox, Giám đốc Ban Sứ mệnh Khoa học tại trụ sở NASA, cho biết: “Bay gần Mặt Trời đến mức này là một khoảnh khắc lịch sử trong sứ mệnh đầu tiên của nhân loại tới một ngôi sao”.
Bà cũng khẳng định, nghiên cứu Mặt Trời từ cự ly gần sẽ giúp con người hiểu rõ hơn về tác động của nó đối với Hệ Mặt Trời, từ các công nghệ mà chúng ta sử dụng hàng ngày trên Trái Đất và trong không gian, đến việc tìm hiểu cơ chế hoạt động của các ngôi sao trong vũ trụ, hỗ trợ việc tìm kiếm các hành tinh có thể ở được ngoài hành tinh của chúng ta.
Ông Nour Raouafi, nhà khoa học dự án tại Phòng Thí nghiệm Vật lý Ứng dụng Johns Hopkins (JHUAPL), cho biết: “Parker Solar Probe đang vượt qua một trong những môi trường khắc nghiệt nhất trong không gian và vượt qua mọi kỳ vọng.
Nhiệm vụ này đang mở ra một kỷ nguyên vàng mới trong việc khám phá không gian, đưa chúng ta đến gần hơn với việc giải mã những bí ẩn sâu xa nhất của Mặt Trời.”
Tàu Parker cũng đóng góp vào việc nghiên cứu gió Mặt Trời và cách nó tăng tốc gần Mặt Trời. Ông Adam Szabo, nhà khoa học của NASA, nhận định: “Chuyến tiếp cận gần này sẽ cung cấp thêm dữ liệu giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cách gió Mặt Trời được gia tốc”.
Hành trình đặc biệt này bắt đầu từ tháng 8/2018, khi tàu Parker được phóng lên để nghiên cứu tầng ngoài của nhật hoa Mặt Trời. Với sự hỗ trợ từ các chuyến bay lợi dụng lực hấp dẫn của sao Kim trong suốt 6 năm qua, tàu đã tiến gần hơn đến Mặt Trời qua từng quỹ đạo hình elip.
Đến ngày 6/11, tàu đã đạt quỹ đạo tối ưu, cho phép nó nghiên cứu các hiện tượng quan trọng của Mặt Trời và thời tiết không gian, đồng thời tránh được sự hủy hoại từ nhiệt độ và bức xạ cực đoan.
Một yếu tố then chốt cho sự thành công của Parker chính là tấm chắn nhiệt bằng vật liệu carbon, có khả năng chịu được nhiệt độ từ 980 đến 1425⁰C.
Tấm chắn này không chỉ bảo vệ tàu khỏi sức nóng khắc nghiệt mà còn giữ các thiết bị khoa học ở nhiệt độ phòng, giúp chúng hoạt động hiệu quả trong môi trường cực kỳ khắc nghiệt của nhật hoa.
Parker Solar Probe không chỉ mang đến những khám phá quan trọng về Mặt Trời mà còn mở rộng hiểu biết về thời tiết không gian và các hành tinh trong Hệ Mặt Trời.
Trong các lần tiếp cận trước đó, tàu đã khám phá được nhiều hiện tượng bất ngờ, như cấu trúc zig-zag của gió Mặt Trời, cũng như các đột biến bất thường ở ranh giới ngoài của nhật hoa.
Ngoài ra, tàu còn cung cấp hình ảnh độc đáo về sao Kim, ghi lại các bức xạ vô tuyến từ hành tinh này và tạo ra hình ảnh đầu tiên về vòng bụi quỹ đạo của sao Kim.
Hiện tại, sau khi tàu phát tín hiệu xác nhận hoạt động an toàn vào ngày 26/12, nhóm nghiên cứu đang chờ dữ liệu từ lần tiếp cận này. Đây sẽ là những thông tin mới mẻ về một “vùng trời” mà nhân loại chưa từng đặt chân tới.
Theo ông Joe Westlake, Giám đốc Ban Vật lý Mặt Trời tại NASA, “dữ liệu từ tàu sẽ là một thành tựu phi thường”.
Hai lần tiếp cận tiếp theo của Parker Solar Probe được lên kế hoạch vào ngày 22/3 và 19/6 năm 2025.
Đây là những cơ hội hứa hẹn tiếp tục mang lại những khám phá mới quan trọng, đưa nhân loại tiến thêm một bước trong việc chinh phục các bí mật của vũ trụ.