Cục Khí tượng Ấn Độ cho biết ít nhất 18 sân bay khu vực có tầm nhìn thấp hơn 1.000 mét, đã giảm xuống dưới 500 mét ở New Delhi.
Theo tổ chức giám sát mức độ ô nhiễm không khí IQAir, trong ngày 13/11, tỷ lệ bụi mịn tại đô thị 30 triệu người đã vượt quá 806 microgram trên mét khối, chạm mức “nguy hiểm”.
Được biết, trong bụi mịn chứa các hạt vi mô gây ung thư, được gọi là PM2.5, xâm nhập vào máu qua phổi. Mọi thứ còn tồi tệ hơn khi nhiều người trong thành phố đã không có đủ tiền để mua máy lọc không khí, hay thậm chí không có mái nhà để che chắn hiệu quả.
Trong khi đó, bầu không khí đã bắt đầu chuyển sang mùi hôi thối. Đây được cho là nguyên nhân gây ra hàng nghìn ca tử vong sớm tại thủ đô Ấn Độ.
Theo giới chức địa phương, thành phố thường xuyên bị bao phủ bởi lớp sương mù dày đặc mỗi năm, chủ yếu do việc nông dân ở các vùng lân cận đốt rơm rạ, cũng như khói bụi từ các nhà máy và phương tiện giao thông.
Ngoài ra, khói độc hại cũng phun ra từ các nhà máy điện chuyên đốt rác của thành phố. Chính quyền New Delhi đã đưa ra một số sáng kiến để giải quyết vấn đề ô nhiễm, nhưng hiệu quả thực tế vẫn chưa cao.
WHO cho biết ô nhiễm không khí có thể gây ra đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi và các bệnh về đường hô hấp khác. Điều này đặc biệt có hại đối với trẻ sơ sinh, trẻ em và người già.
Một nghiên cứu trên tạp chí y khoa The Lancet cho biết ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra 1,67 triệu ca tử vong sớm ở quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2019.