Lần đầu tiên từ sau đại dịch Covid-19, thị trường hoa có dấu hiệu khởi sắc, đời sống của người nông dân trồng hoa phần nào bớt khổ cực. Song song với đó, người chơi hoa cũng có thêm nhiều lựa chọn và cảm thấy hài lòng với các loại hoa truyền thống, mà không cần phụ thuộc vào hoa nhập khẩu như trước đây.
Chứng kiến niềm vui ấy, một người đàn ông thầm cảm thấy hạnh phúc vì đã thực hiện được mong ước trong suốt gần nửa cuộc đời mình. Ông là PGS TS Đặng Văn Đông, người được mệnh danh là nhà khoa học yêu hoa nhất trong số những kẻ mê hoa.
Người lĩnh xướng, tiên phong nghiên cứu hoa, cây cảnh ở Việt Nam
Từ những năm cuối thập niên 80, cho đến những năm đầu của thập niên 90, nước ta vừa trải qua cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, và bước vào công cuộc khôi phục hoạt động kinh tế, hướng tới hội nhập quốc tế.
Nhiều người bận lao vào kiếm ăn, với mong muốn có được một công việc ổn định, mang lại bữa cơm đủ đầy cho gia đình, con cái. Việc chơi hoa khi ấy vẫn được coi là thú vui xa xỉ.
PGS Đông, khi ấy còn là một kỹ sư nông nghiệp mới ra trường, cho thấy tầm nhìn khác biệt. Trong khi các đồng nghiệp lựa chọn lĩnh vực gần gũi hơn với người nông dân, như nghiên cứu cây lúa, cây ăn quả, cây công nghiệp… PGS Đông lựa chọn cho mình lĩnh vực hoa, cây cảnh.
Ông cho rằng, nếu không có sự thay đổi về cách thức sản xuất, thì đời sống của người nông dân sẽ còn khổ cực.
“Khi đất nước phát triển, đời sống người dân được nâng lên, nhu cầu về hoa, cây cảnh cũng sẽ tăng cao”, PGS Đông chia sẻ. “Nếu các nước láng giềng làm được, chúng ta cũng làm được. Để rồi không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, mà thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài”.
Với suy nghĩ đó, PGS TS Đặng Văn Đông đã trở thành một trong những người đầu tiên gây dựng ngành nghiên cứu hoa, cây cảnh ở Việt Nam.
Năm 1996, PGS Đông và một số đồng nghiệp xin thành lập bộ môn nghiên cứu hoa – cây cảnh tại Viện Nghiên cứu Rau quả (FAVRI). Sau đó, ông đề xuất mở ra một bộ phận chuyên nghiên cứu về hoa, cây cảnh để từ đây dần dần hình thành nên bộ môn, và sau đó là trung tâm nghiên cứu hoa, cây cảnh.
Tuy nhiên, chặng đầu của một con đường, giống như một bộ phim tài liệu, thường sẽ khởi đầu vô cùng khó khăn và gian truân. “Giai đoạn mới thành lập gần như không nhận được đề tài, dự án nào từ ngân sách của nhà nước. Các hoạt động của viện ban đầu cực kỳ khó khăn”, PGS Đông chia sẻ.
Hiểu được tính cách của người Việt rất yêu cái đẹp, rất yêu hoa, đồng thời nhu cầu sử dụng hoa của Việt Nam rất lớn, không chỉ ngày Tết, các lễ hội mà cả các sự kiện diễn ra quanh năm, PGS Đông nhất quyết không từ bỏ niềm đam mê.
Gặp khó khăn về kinh phí hoạt động, ông động viên các đồng nghiệp vay 50 triệu đồng, trả lãi suất, từ ngân hàng, Tổng Công ty Rau quả Việt Nam để đầu tư nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật sản xuất các cây hoa, cây cảnh truyền thống, như cây hoa hồng, hoa cúc, lay ơn, cây đào, mai, quất…
Sau đó, khi có kinh phí, PGS Đông dần chuyển sang nghiên cứu những cây hoa mới, hiếm, và có giá trị kinh tế cao hơn.
Theo ông, đây mới là hướng đi giúp người nông dân Việt Nam tạo ra đột phá ở thu nhập, khi tối ưu hóa giá trị trên mỗi héc ta đất trồng – cũng là điều mà các loại cây lương thực, thực phẩm khó có thể đạt được.
Đột phá với các giống hoa mới
Khởi nghiệp với 4 loại hoa, gồm lan ý, thiết mộc lan, sứ thái, cô tòng, PGS Đông giờ đây là tác giả chính của hơn 20 giống hoa mới, và 12 quy trình kỹ thuật trồng hoa.
Các giống và quy trình này đều được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận là tiến bộ kỹ thuật.
Ông còn là tác giả chính của 6 bài báo quốc tế, 140 bài báo trong nước, xuất bản 10 cuốn sách, chủ nhiệm 2 đề tài cấp nhà nước, 4 đề tài cấp bộ, 15 đề tài cấp tỉnh về kỹ thuật trồng hoa.
Đến nay, PGS Đông chuyển giao đã xây dựng mô hình sản xuất hoa chất lượng cao cho 32 tỉnh thành trên cả nước.
“Nhờ có các tiến bộ kỹ thuật mới trong ngành nghiên cứu hoa, cây cảnh, mà hiện nay, đất nước ta mới có nhiều giống hoa mới, nâng tầm sản phẩm hoa của Việt Nam”, PGS TS Đặng Văn Đông chia sẻ.
“Điều đó giúp cho nhiều nơi, nhiều vùng trở nên giàu có, đúng như ước mơ ban đầu của tôi khi lựa chọn đi theo ngành này”.
Tháng 4 vừa qua, PGS Đông cùng các đồng nghiệp đã được cấp bằng bảo hộ giống hoa lay ơn Việt Hà 01. Đây là giống hoa do FAVRI lai tạo từ nguồn giống lay ơn địa phương trong nước với giống lay ơn nhập nội từ Hà Lan, mới bắt đầu thử nghiệm và phát triển từ năm 2020.
Khác với các giống lay ơn khác, khi hoa dưới nở, gần tàn bông, hoa trên ngọn mới nở, hoa của giống Việt Hà 01 nở gần như đồng loạt, tạo nên lọ hoa rất đẹp.
Điểm đặc biệt là giống lay ơn Việt Hà 01 có thể được nhân giống và nuôi trồng ở Việt Nam, từ đó hạn chế việc phải nhập củ từ nước ngoài, cũng như chi phí khi đến tay người tiêu dùng hợp lý hơn.
Trước đó, PGS Đông cũng đã giới thiệu tới thị trường hoa trong nước nhiều “món ăn tinh thần” đặc biệt, như lan hồ điệp có mùi thơm, hoa sen chịu được nhiệt bệnh…
PGS Đông cũng tích cực tham gia đào tạo các bạn trẻ, để có thể cùng thế hệ này tạo ra rất nhiều các quy trình, kỹ thuật, chọn tạo ra giống, hoa mới, phục vụ sản xuất.
Cùng với việc chủ động tạo ra giống mới, lai tạo giống mới nhóm của PGS Đông cũng đã nghiên cứu các quy trình ứng dụng công nghệ cao, vạn vật thông minh (IoT) trong sản xuất, quản lý sản xuất hoa và cây cảnh.
Có thể thấy, kỹ thuật trồng hoa và cây cảnh ở Việt Nam từ chỗ rất lạc hậu so với thế giới, nay đã sở hữu những quy trình công nghệ cao tiên tiến, khiến ngay cả chuyên gia nước ngoài khi đến tham quan rất khâm phục, đánh giá cao.
“Bánh mỳ và hoa hồng cho tất cả mọi người”. Đây là câu nói nổi tiếng của V. I. Lênin, Lãnh tụ Cách mạng Tháng Mười Nga, khi nói về cuộc sống đầy đủ cho tất cả mọi người. Trong đó, bánh mỳ tượng trưng cho vật chất, và hoa hồng tượng trưng cho đời sống tinh thần.
Đời sống tinh thần vốn dĩ là tập hợp các trạng thái tinh thần, cảm xúc, suy nghĩ, tri thức và giá trị cá nhân mà con người trải qua trong cuộc sống. Nó vô cùng quan trọng, vì liên quan đến tâm lý, hạnh phúc, tình yêu thương và cảm giác nghĩa vụ đối với xã hội. Có thể thấy, sức mạnh từ một bông hoa đôi khi cũng là rất lớn.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, PGS TS Đặng Văn Đông cho biết, tâm nguyện của ông là trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ trở thành nước xuất khẩu hoa có vị thế trong khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, cùng với đó là nỗi trăn trở, khi làm sao để ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra nhiều giống hoa mới, đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thị trường, như hoa phải bền, đẹp, độc, lạ.
Song song với đó, là phát triển sản xuất theo hướng đa giá trị, gắn với các ngành du lịch và phát triển văn hóa tại từng địa phương. “Bởi có thế, mới thúc đẩy ngành hoa của Việt Nam phát triển và mang lại giá trị kinh tế cao hơn”, PGS Đông chia sẻ.