Ngày 29/12, một cảnh tượng kinh hoàng diễn ra ở Hàn Quốc khi bộ phận hạ cánh của chiếc Boeing 737-800 mang số hiệu 7C2216 của hãng hàng không Jeju Air bị hỏng, khiến nó đâm sầm xuống đường băng tại Sân bay quốc tế Muan.
175 hành khách đã thiệt mạng, cùng 4 thành viên phi hành đoàn. Nguyên nhân gây ra thảm kịch vẫn đang được làm rõ, nhưng một video được công chiếu trên truyền hình Hàn Quốc cho thấy dường như một con chim đã lao vào động cơ bên phải của máy bay trong lúc máy bay đang chuẩn bị hạ cánh.
Trên thực tế, tai nạn hàng không liên quan tới chim trời không phải là điều quá hiếm gặp. Trong quá khứ, từng có một số vụ máy bay va phải chim chấn động ngành hàng không.
Phép màu trên sông Hudson
Ngày 15/1/2009, máy bay với số hiệu 1549 của hãng hàng không US Airways, do cơ trưởng Chesley “Sully” Sullenberger điều khiển, đã gặp phải sự cố nghiêm trọng chỉ vài phút sau khi cất cánh từ sân bay LaGuardia ở New York.
Chiếc máy bay Airbus A320 được cho là đã va phải một đàn ngỗng Canada ở độ cao khoảng 914 mét, khiến cả hai động cơ General Electric CFM56 bị hỏng hoàn toàn.
Trong tình huống khẩn cấp, cơ trưởng Sullenberger quyết định hạ cánh khẩn cấp xuống sông Hudson, thay vì cố gắng quay lại hoặc hạ cánh ở sân bay gần nhất.
Kết quả, sự phối hợp chặt chẽ và kỹ năng tuyệt vời của cả phi hành đoàn đã cứu sống toàn bộ 155 hành khách và phi hành đoàn có trên chuyến bay.
Sự kiện này, được gọi là “Phép màu trên sông Hudson,” đã trở thành một biểu tượng về sự bình tĩnh và chuyên nghiệp trong ngành hàng không.
Sau sự cố, cơ trưởng Sullenberger được ca ngợi như một người hùng và câu chuyện đã được chuyển thể thành bộ phim “Sully” (2016).
Vụ va chạm ở độ cao kỷ lục
Ngày 29/11/1973, một vụ va chạm xảy ra khi chuyến bay của hãng hàng không Air Ivory Coast đang ở độ cao 11.277 mét trên bầu trời Tây Phi.
Một tiếng động lớn bất ngờ xuất hiện khi máy bay đang bay qua khu vực, khiến phi hành đoàn nghi ngờ có vấn đề với động cơ. Tuy nhiên, điều may mắn là máy bay chỉ có một số rung lắc nhẹ, và mọi thứ vẫn nằm trong quỹ đạo.
Sau khi hạ cánh, các kỹ thuật viên đã tìm thấy phần còn lại của một con chim trong động cơ và xác định đó là một con kền kền Rüppell, loài chim có thể bay cao nhất trong thế giới động vật, với kỷ lục được ghi nhận lên đến 11.000 mét.
Mặc dù sự cố này không gây thương vong, nhưng nó đã làm sáng tỏ về nguy cơ mà chim trời có thể gây ra đối với máy bay. Đây cũng là lời cảnh báo về sự phức tạp của việc quản lý động vật hoang dã trong ngành.
Thảm họa ở Boston
Ngày 4/10/1960, chuyến bay mang số hiệu 375 của hãng hàng không Eastern Air Lines đã gặp phải một trong những vụ va chạm chim tồi tệ nhất trong lịch sử.
Chiếc máy bay Lockheed L-188 Electra khi đó đã va phải một đàn chim sáo đá khi đang cất cánh từ Sân bay Logan ở Boston (Mỹ). Va chạm làm mất lực đẩy ở 3 trong số 4 động cơ, khiến phi công không thể kiểm soát máy bay.
Chiếc máy bay rơi xuống vịnh Winthrop, chỉ vài giây sau khi rời khỏi đường băng. Trong số 72 người trên máy bay, 62 người đã thiệt mạng.
Vụ việc này đã dẫn đến những thay đổi lớn trong thiết kế động cơ và các biện pháp kiểm soát động vật bay hoang dã tại các sân bay.
Hiện nay, những đàn sáo đá thường được xua đuổi bằng nhiều biện pháp như sử dụng âm thanh hoặc pháo sáng trước khi máy bay cất cánh hoặc hạ cánh.
Bi kịch tại Ethiopia
Ngày 15/9/1988, chuyến bay mang số hiệu 604 của hãng hàng không Ethiopian Airlines cất cánh từ Bahir Dar, (Ethiopia) đã gặp thảm họa khi va phải một đàn chim bồ câu ngay sau khi rời khỏi đường băng.
Rất nhiều con chim bị hút vào động cơ số 2, gây cháy lớn ở bộ phận này và máy bay mất kiểm soát.
Mặc dù phi công đã cố gắng quay lại sân bay để hạ cánh khẩn cấp, nhưng máy bay không thể đạt được độ cao cần thiết và rơi xuống một cánh đồng gần đó.
Trong số 104 người trên máy bay, 35 người đã thiệt mạng. Sự cố này nhấn mạnh nguy cơ mà ngay cả những loài chim nhỏ như bồ câu cũng có thể gây ra đối với an toàn hàng không.
Màn hạ cánh khẩn cấp trên cánh đồng ngô
Vào ngày 15/8/2019, chuyến bay mang số hiệu 178 của hãng hàng không Ural Airlines gặp phải một đàn mòng biển sau khi cất cánh từ Sân bay Quốc tế Zhukovsky, gần Moscow (Nga).
Chim làm hỏng cả 2 động cơ, buộc phi hành đoàn phải hạ cánh khẩn cấp xuống một cánh đồng ngô chỉ cách sân bay vài km.
Nhờ kỹ năng xuất sắc của cơ trưởng Damir Yusupov và sự hỗ trợ của phi hành đoàn, toàn bộ 233 hành khách và phi hành đoàn đã sống sót. Một số người chỉ bị thương nhẹ.
Sau sự cố, cơ trưởng Yusupov được ca ngợi như một người hùng, và vụ việc được ví như một phiên bản khác của “Phép màu trên sông Hudson”.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Cá và Động vật Hoang dã (Mỹ), các vụ va chạm với chim gây thiệt hại khoảng 900 triệu USD mỗi năm chỉ riêng tại quốc gia này.
Các vụ va chạm tương tự cũng góp phần khiến Sân bay Quốc tế Mattala Rajapaksha ở Sri Lanka được mệnh danh là “sân bay vắng nhất thế giới”.
Theo Đại học Nebraska Lincoln, Orville Wright, người tiên phong trong việc chế tạo ra máy bay, đã ghi nhận vụ va chạm với chim đầu tiên khi sử dụng dạng phương tiện này.
Kể từ đó, hàng nghìn máy bay đã gặp phải các sự cố tương tự. Theo báo cáo của Cục Hàng không Liên bang, số vụ va chạm với chim đã tăng gần 6 lần kể từ năm 1990, lên mức kỷ lục 10.343 vụ vào năm 2012.