Với tiềm năng giảm thời gian di chuyển xuyên lục địa xuống một nửa, những chiếc máy bay thế hệ tiếp theo này đang được các công ty lớn như NASA và các công ty tư nhân như Boom Supersonic và Dawn Aerospace phát triển.
Tuy nhiên, sự trở lại của loại phương tiện vận chuyển này đi kèm với một số thách thức, trong đó có các vấn đề về môi trường và tiếng nổ siêu thanh khét tiếng.
Máy bay siêu thanh đạt tốc độ nhanh hơn Mach 1 (khoảng 1224 km/giờ). Tốc độ này tạo ra sóng xung kích sinh ra tiếng nổ siêu thanh lớn, đủ mạnh để làm mọi người giật mình, làm phiền động vật hoang dã và thậm chí làm vỡ cửa sổ.
Concorde đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội do những tiếng nổ này. Việc khắc phục nhược điểm này là vấn đề mấu chốt khi các công ty muốn có những chuyến bay thương mại siêu thanh thế hệ tiếp theo.
Dự án Công nghệ siêu thanh yên tĩnh (Quesst) của NASA đang đi đầu trong sáng kiến đổi mới về hạn chế tiếng ồn.
NASA hiện đang thử nghiệm máy bay X-59 do hãng Lockheed Martin chế tạo. X-59 được thiết kế để giảm thiểu tiếng nổ siêu thanh thành tiếng “sóng siêu thanh” nhỏ hơn.
Các chuyến bay thử nghiệm được lên kế hoạch vào năm 2025 và sẽ bay qua các thành phố lớn của Mỹ. NASA sẽ thu thập phản hồi của công chúng để có các hướng dẫn pháp lý đối với loại máy bay này trong tương lai.
Nếu thành công, các cuộc thử nghiệm này sẽ mở cánh cửa rộng lớn cho các chuyến bay thương mại siêu thanh trên đất liền.
Các công ty tư nhân cũng đang nhanh chóng có những cải tiến về tốc độ và hiệu quả.
Chiếc XB-1 của Boom Supersonic đã đạt được tốc độ gần bằng tốc độ âm thanh trong quá trình thử nghiệm và hướng đến mục tiêu tốc độ siêu thanh. Máy bay chở khách Overture của hãng này có tốc độ thiết kế Mach 1.7 được dự kiến sẽ phục vụ hành khách vào năm 2029.
Hãng Dawn Aerospace cũng đang nỗ lực cải tiến máy bay Aurora của mình, hiện có thể bay với tốc độ Mach 1,1 sẽ đạt Mach 3,5.
Tuy nhiên, cũng phải nói đến những thách thức lớn trước mắt. Đó là các chuyến bay siêu thanh sẽ đòi hỏi mức tiêu thụ nhiên liệu đáng kể, làm tăng lượng khí thải vào thời điểm ngành hàng không đang chịu áp lực phải giảm dấu chân carbon.
Nhược điểm về tiếng ồn cũng khiến các chuyến bay chỉ giới hạn ở những khu vực có nhiều mặt nước. Do đó, khả năng tồn tại lâu dài của những chuyến bay này rất mong manh.
Tương lai của các chuyến bay siêu thanh phụ thuộc vào việc cân bằng tốc độ, tính bền vững và khả năng chi trả.
Mặc dù vẫn còn nhiều rào cản, với rất nhiều công ty lớn đang nỗ lực tìm giải pháp, có khả năng chúng ta sẽ thấy sự trở lại của những chuyến bay này, ngay cả khi sự trở lại đó chỉ phục vụ những người có khả năng chi trả mức giá rất cao cho một chỗ ngồi.