Mới đây, các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện ra chất xơ từ cây konjac (còn gọi là cây nưa konjac) – một thành phần có trong mì sợi và viên thạch được thêm vào nồi lẩu để ăn – có thể cải thiện hiệu suất của pin ion kẽm dạng nước.
Loại pin này hiện vẫn đang trong quá trình phát triển, là một giải pháp thay thế đầy hứa hẹn cho pin lithium, vì có dung lượng cao về mặt lý thuyết, độ an toàn vượt trội và nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên.
Dẫu vậy, việc sử dụng loại pin này vẫn còn hạn chế vì chất điện phân gốc nước được sử dụng trong pin dễ bị đóng băng ở nhiệt độ thấp.
Theo các nhà nghiên cứu từ Đại học Khoa học và Công nghệ tỉnh Hồ Nam, miền trung Trung Quốc, việc bổ sung konjac glucomannan, một loại polymer hữu cơ thân thiện với môi trường và giá rẻ, vào chất điện phân có thể phá vỡ mạng lưới liên kết hydro trong nước, gây ức chế quá trình đóng băng.
Sự bổ sung này cho phép hình thành hệ keo ổn định trong dung dịch nước, nơi các hạt được phân tán đều khắp, tạo ra sự ổn định tốt hơn và cải thiện quá trình vận chuyển ion cho các phản ứng điện hóa.
Từ đó, giúp cân bằng hiệu suất chống đông của chất điện phân với các yêu cầu về hiệu suất của pin trong điều kiện sạc – xả tốc độ cao, góp phần nâng cao hiệu suất tổng thể của pin.
“Bằng cách tái tạo mạng lưới liên kết hydro của nước, konjac glucomannan đã thay đổi sự sắp xếp của các ion kẽm, hạn chế chuyển động của các phân tử nước và hình thành một lớp bảo vệ trên các điện cực”, các nhà nghiên cứu cho biết trong báo cáo.
Họ cũng lưu ý rằng ngay cả ở nhiệt độ thấp tới -10⁰C, pin vẫn tiếp tục cho thấy hiệu suất điện hóa mạnh mẽ.
Đáng chú ý, loại nguyên liệu được bổ sung – konjac glucomannan – là một loại chất xơ ăn kiêng được làm từ thân mọc dưới đất của cây konjac, rất sẵn có trong tự nhiên.
Chúng được biết đến với nhiều ứng dụng trong ẩm thực, đặc biệt là trong các món mì ít calo và viên thạch trong món lẩu.