“Mưa đập mạnh vào cửa sổ máy bay khi chúng tôi bay qua một đám mây lớn. Cabin rung lắc dữ dội, nhiều thành viên của phi hành đoàn bị hất ngã xuống sàn. Một túi đồ rơi từ trên cao xuống, đồ đạc bên trong văng tung tóe khắp nơi”.
Đây là những chia sẻ của Nick Underwood, kỹ sư chính đến từ Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), và là 1 trong 4 “thợ săn bão” kỳ cựu, được lựa chọn để tiến vào tâm bão Milton đang đổ bộ vào bờ Đông nước Mỹ.
Bất chấp sự nhiễu động và nguy hiểm của cơn bão mạnh nhất tính đến thời điểm hiện nay trong năm 2024, các chuyên gia NOAA vẫn tập trung vào công việc của mình.
Ở phía xa gần đuôi máy bay, Tom Brannigan, kỹ sư điện, “căng mắt” nhìn vào những con số xuất hiện trên màn hình. Thiết bị mà anh đang sử dụng là Hệ thống phân tích khí quyển thẳng đứng trên không (AVAPS), cho phép các chuyên gia thu thập dữ liệu thời tiết từ cơn bão.
Một thiết bị khác cũng được nhóm đặc biệt quan tâm, là máy đo dữ liệu về nhiệt độ, độ ẩm, áp suất, sức gió và hướng gió. Tần suất cập nhật thông tin của thiết bị này là 0,25 – 0,5 giây/lần, ở mức rất cao, nhưng yêu cầu phải thả xuống bằng dù từ máy bay. Do đó, máy bay cần phải tiến tới rất gần cơn bão để đạt được độ chính xác cao nhất.
Trung tá Josh Rannenberg, phi công chính của Đội săn bão NOAA, đã từng chứng kiến nhiều cơn bão nhiệt đới trong sự nghiệp của mình. Song, chuyên gia này vẫn bị “sốc” trước sự hung dữ của bão Milton- thứ được ông mô tả là “con quái vật”.
“Khi chúng tôi đến mắt bão, nó vẫn là cơn bão cấp 5. Tôi đã chứng kiến nó phát triển từ một cơn bão nhiệt đới thành một “con quái vật” cấp 5 chỉ trong vài tiếng ngắn ngủi. Đây là tốc độ tăng cấp nhanh nhất mà tôi từng thấy”, Rannenberg chia sẻ.
Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi gần như 180 độ khi nhóm chuyên gia của NOAA tiến đến mắt bão. Rannenberg mô tả thứ mà ông trải qua giống như “hiệu ứng sân vận động”.
“Khi chúng tôi tiến được vào mắt bão, mọi thứ thay đổi. Không khí êm dịu hơn rất nhiều, nhưng chúng tôi biết mình đang bị bao vây bởi một vòng tròn hủy diệt”, Rannenberg kể lại.
“Những đám mây cao như một tòa nhà chọc trời, bao phủ xung quanh chúng tôi như sân vận động. Ở độ cao 8.000 feet (khoảng 2,4km) nhìn xuống đại dương, phía trên chúng tôi vẫn là những đám mây đen đáng sợ”.
Rannenberg nhắc lại một lần nữa rằng ông đã bay qua nhiều cơn bão trong suốt hàng thập kỉ qua, nhưng bão Milton dường như “ở một đẳng cấp khác”.
“Đây là cơn bão điên rồ nhất mà tôi từng bay bên trong. Cơn bão rõ ràng là có độ nhiễu động tồi tệ nhất, có nhiều tia sét nhất, đối lưu sâu nhất mà tôi từng thấy. Phạm vi của cơn bão cũng thật đáng kinh ngạc, cũng như sức mạnh đằng sau nó”, Rannenberg cho biết thêm.
Theo thông tin từ NOAA, “thợ săn bão NOAA” là tên gọi được họ đặt cho một nhóm thành viên của tổ chức. Họ đều là các phi công, chuyên gia và nhà nghiên cứu xuất sắc của NOAA, được trang bị kiến thức chuyên sâu, bao gồm kỹ năng sinh tồn, giúp đảm bảo cho bản thân và những đồng đội an toàn ngay cả tại các vùng thời tiết khắc nghiệt nhất thế giới.
Nghiên cứu của họ đặc biệt hướng tới những cơn bão, nhằm giúp chúng ta hiểu rõ hơn về quá trình hình thành bão, mức độ thiệt hại, cách chúng tăng hoặc giảm cường độ, để từ đó cải thiện các mô hình dự báo bão.
Được biết, Trung tá Josh Rannenberg cùng 3 thành viên của Đội săn bão sử dụng một máy bay nghiên cứu Lockheed WP-3D Orion mang mã hiệu N43RF, với tên gọi không chính thức “Miss Piggy” để khám phá bão Milton.
Họ cất cánh từ khoảng 3 giờ sáng ngày 9/10 (theo giờ địa phương), thực hiện ít nhất 4 lần bay qua cơn bão để lấy mẫu từng góc phần tư trong nhiệm vụ kéo dài 9 giờ.
Theo bà Susan Buchanan, giám đốc quan hệ công chúng thuộc Cục thời tiết quốc gia, mục đích của những nhiệm vụ này chủ yếu nhằm xác định tâm bão, đo áp suất trung tâm và sức gió bề mặt trong mắt bão.
Dữ liệu do nhóm thu thập được sẽ được chuyển trực tiếp đến Trung tâm Bão quốc gia trong suốt hành trình. Từ đó, họ kịp thời đưa ra dự báo và những khuyến cáo cho người dân trước, và trong lúc cơn bão đổ bộ.
Theo Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ, bão Milton sau khi đổ bộ Florida đã suy yếu tiếp thành bão cấp 2 với sức gió khoảng hơn 170km/h.
Mặc dù vậy, giới chức trách cảnh báo nguy hiểm vẫn còn.
Theo đó, Milton vẫn sẽ là cơn bão mạnh khi quét qua Florida từ đêm 9/10 đến sáng 10/10 (theo giờ địa phương). Mối nguy hiểm do bão Milton gây ra có thể trải dài hàng trăm km kể từ tâm bão”, cơ quan này cho biết.
Tờ Guardian cho biết, khoảng 1,5 triệu người ở Florida đang chịu cảnh mất điện khi bão Milton đổ bộ. Công ty điện lực địa phương đã cảnh báo trước người dân vì tình trạng này và cho biết việc khôi phục nguồn cung điện có thể mất thời gian.
Cùng với đó, khoảng 125 ngôi nhà bị hư hại thậm chí trước khi bão đổ bộ, trong đó có các nhà di động tại các cộng đồng dành cho người cao tuổi.
Theo CNN, khu vực Fort Myers, Florida, đang bắt đầu chứng kiến “trận lũ lụt tồi tệ nhất” khi bão Milton tiếp tục gây mưa lớn. Nước đã tràn bờ sông Caloosahatchee ở đây.
Cơ quan Thời tiết Mỹ cũng đã ban bố cảnh báo khẩn cấp thứ 2 về tình trạng lũ quét nguy hiểm ở Tampa, với các khu vực nằm trong diện cảnh báo gồm Lakeland, Winter Haven và Wesley Chapel.
Các nhà khí tượng học cũng cảnh báo rằng cơn bão nguy hiểm này có thể gây ra các tình trạng thời tiết cực đoan khác, như lốc xoáy và sóng thần.