Khoa học - Công nghệ

Tìm ra nguồn gốc miệng hố bí ẩn xuất hiện ở Siberia

Tìm ra nguồn gốc miệng hố bí ẩn xuất hiện ở Siberia - 1

Tìm ra nguồn gốc miệng hố bí ẩn xuất hiện ở Siberia - 1

Miệng hố bí ẩn đầu tiên được phát hiện trong lớp đất đóng băng vĩnh cửu ở Siberia vào năm 2014 (Ảnh: Nhóm nghiên cứu).

Năm 2014, các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện ra những miệng hố bí ẩn tại bán đảo Yamal, Siberia. Chúng rộng khoảng 30 mét, sâu hơn 50 mét, được bao quanh bởi các vật thể vốn dĩ nằm ở bên trong miệng hố. Điều này cho thấy có một vụ nổ đã xảy ra.

Tới nay, sau tròn một thập kỷ, họ mới vén màn được bí ẩn đằng sau những hố sâu này. Họ lập luận rằng có những điều kiện rất cụ thể đã cho phép hiện tượng này xuất hiện.

“Chỉ có hai cách để tạo ra vụ nổ”, Julyan Cartwright, nhà địa vật lý của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha, cho biết. “Hoặc là phản ứng hóa học – giống như thuốc nổ, hoặc là vật lý – giống như khi bơm lốp xe đến khi chúng nổ tung”.

Bằng phương pháp loại trừ, các nhà khoa học cho rằng nguồn gốc vật lý là câu trả lời, vì họ không tìm thấy bất kỳ thành phần nào cho thấy phản ứng hóa học đã diễn ra.

Họ đề xuất rằng đây chính là hệ quả của quá trình thẩm thấu.

Được biết, xu hướng của chất lỏng là di chuyển một cách cân bằng với nồng độ các chất hòa tan bên trong. Khi lớp đất đóng băng vĩnh cửu ấm lên, lớp đất bề mặt – nơi diễn ra mọi hoạt động của sự sống – bắt đầu tan chảy và hướng xuống các tầng đất bên dưới.

Thông thường, sự dao động này xảy ra ở tầng khá nông, nhưng do biến đổi khí hậu, nó đang thâm nhập sâu hơn vào lòng đất. Nước tan chảy có thể đã chạm tới các lớp băng vĩnh cửu ở sâu bên dưới.

Trong khi đó, khu vực này với áp suất thấp và hàm lượng muối cao, đã nhanh chóng hấp thụ lượng nước chảy xuống từ bề mặt. Không chỉ vậy, nó còn hoạt động như một loại “máy bơm” thông qua quá trình thẩm thấu, đưa nước ngầm dâng ngược lên.

Quá trình này tạo áp suất lớn, khiến lớp đất xung quanh nứt vỡ, đồng thời tạo ra vụ nổ vật lý cực lớn phía trên lớp bề mặt.

Các nhà khoa học cho rằng hiện tượng này thường mất hàng thiên niên kỷ để diễn ra. Tuy nhiên, hiện tượng nóng lên toàn cầu bắt đầu vào những năm 1980 khiến chúng tăng tốc một cách chóng mặt, và rút ngắn thời gian xuống chỉ còn hàng thập kỷ.

Điều đáng lo ngại của những vụ nổ này là chúng sẽ giải phóng hydrat metan dưới dạng khí phun trào ra khỏi miệng hố.

Đây có thể là nguồn tác động khá lớn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu, tạo ra một “vòng lặp” đáng sợ, vì sẽ khiến nhiều miệng hố xuất hiện hơn trong tương lai.

Shares:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *