Khoa học - Công nghệ

Tìm thấy nguồn gốc “siêu sức mạnh” của người cổ đại

Tìm thấy nguồn gốc siêu sức mạnh của người cổ đại - 1

Tìm thấy nguồn gốc siêu sức mạnh của người cổ đại - 1

Người Neanderthal sở hữu sức mạnh bùng nổ vượt trội so với người Homo sapiens (Ảnh minh họa: Dinoera).

Cách đây 70.000 năm, tổ tiên của chúng ta rời châu Phi và bắt đầu di cư về phía bắc, dần xâm chiếm toàn bộ lục địa Á-Âu. Tại đây, họ gặp một số họ hàng xa của mình, mà nổi bật nhất là người Neanderthal đã sống ở đó hơn 400.000 năm.

Dựa trên một bản dựng mới về người Neanderthal, các nhà nghiên cứu nhận thấy họ sở hữu lồng ngực lớn hơn đáng kể so với người Homo sapiens (tổ tiên của người hiện đại).

Điều này có thể là nguồn gốc của “siêu sức mạnh”, giúp họ không chỉ có trọng lượng lớn hơn, mà còn mang đến khả năng chế ngự, hạ gục con mồi.

Các nghiên cứu về người cổ đại thường phân tích phần ngực (hoặc phần thân trên) để tìm hiểu về nhu cầu hô hấp của các loài, từ đó cung cấp manh mối quan trọng về cách họ sinh sống.

Thí dụ, loài người hiện đại có lồng ngực “hình thùng”. Đây là cấu trúc lý tưởng cho việc thở ở cự ly dài, là yếu tố cần thiết để hỗ trợ chạy bền khi tổ tiên chúng ta đuổi theo con mồi trên quãng đường dài.

Trong khi đó, người Neanderthal được cho là sở hữu lồng ngực rộng hơn, với cấu tạo tựa như “hình chuông”. Đặc điểm này giúp họ có một cơ thể dày hơn, nặng nề hơn, nhưng lại phù hợp với các chiến lược săn mồi dựa trên bùng nổ năng lượng trong thời gian ngắn.

“Người Neanderthal có thể không phải là những người giỏi nhất trong việc chạy bền, nhưng họ lại sở hữu sức mạnh bùng nổ, giúp hạ gục các loài thú to lớn như sư tử, gấu và voi ma mút,” nghiên cứu kết luận.

Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, đặc điểm thú vị ở phần ngực dưới lớn hơn của người Neanderthal có thể là yếu tố giúp họ giữ nhiệt cơ thể tốt hơn. Đây là một sự thích nghi quan trọng với môi trường sống lạnh giá ở lục địa Á-Âu trong Kỷ Băng hà.

Do hầu hết các bộ xương cổ đại đều không có lồng ngực nguyên vẹn, nên các nhà khoa học vẫn chưa thể suy ra hình dạng chính xác của người Neanderthal.

Cho đến nay, bản dựng lại chi tiết nhất về lồng ngực của người Neanderthal đến từ một mẫu vật cổ đại có tên là Kebara 2, có niên đại ít nhất 60.000 năm, được tìm thấy ở Israel.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng tái tạo một bản dựng khác, được đặt tên là Shanidar 3, dựa trên một cá thể sống cách đây 45.000 năm ở Iraq.

Cả hai bản dựng này đều cho thấy đặc điểm lồng ngực “hình chuông” của người Neanderthal cổ đại khi so sánh với 58 hóa thạch của người Homo sapiens nam trưởng thành trên khắp thế giới.

Shares:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *