Một đoạn video gần đây của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) chiếu hình ảnh động về một robot đang làm việc để xây dựng môi trường sống trên Mặt Trăng. Các nhà khoa học Trung Quốc cũng đang tiến hành thí nghiệm để biến môi trường trên Mặt Trăng thành nơi con người có thể sống được.
Ngày 15/11, tàu tiếp tế Thiên Châu 8 đã được phóng lên trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc, mang theo một số gạch được làm từ đất mô phỏng đất Mặt Trăng.
Vận chuyển mọi thứ lên Mặt Trăng sẽ vô cùng tốn kém và đầy thách thức, vì vậy việc sử dụng các vật liệu có sẵn ở đây, được gọi là tận dụng tài nguyên tại chỗ, là một cách tiết kiệm chi phí đáng kể. Sử dụng regolith Mặt Trăng để làm gạch sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho khả năng xây dựng môi trường sống trên Mặt Trăng.
Những viên gạch thử nghiệm sẽ được đặt bên ngoài Thiên Cung trong 3 năm để tiếp xúc với tia vũ trụ và trải qua sự thay đổi lớn về nhiệt độ. Gạch được làm từ 5 thành phần mô phỏng đất Mặt Trăng thông qua 3 phương pháp thiêu kết riêng biệt, nhằm đánh giá sự biến đổi của chúng theo thời gian và có thể đưa ra giải pháp tốt nhất để xây dựng nơi sinh sống.
Giám đốc dự án nghiên cứu này ở Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, ông Đinh Liệt Vân cho biết: “Năm 2015, khi chúng tôi bắt đầu tìm hiểu xem có thể dùng công nghệ in 3D để xây dựng căn cứ Mặt Trăng hay không và những vật liệu nào là phù hợp, thì việc này giống như một điều viển vông.
Nhưng càng tiếp tục làm việc, chúng tôi càng hiểu biết nhiều hơn và nhận ra rằng nhóm của chúng tôi không phải là duy nhất. Các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới cũng đang tìm cách giải quyết thách thức này.”
Các nhà khoa học Trung Quốc đang giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có vật liệu, cấu trúc và công nghệ cần thiết.
Đất Mặt Trăng là hỗn hợp của các mảnh đá, khoáng chất, hạt thủy tinh và các vật liệu khác, thay đổi theo từng vùng trên bề mặt Mặt Trăng. Trên Trái Đất, tro núi lửa từ dãy núi Trường Bạch ở phía đông bắc Trung Quốc được coi là gần với thành phần đất Mặt Trăng và do đó đã được sử dụng để tạo ra đất Mặt Trăng mô phỏng cho các thí nghiệm.
Nhóm nghiên cứu tin rằng việc xây dựng được căn cứ Mặt Trăng không chỉ hỗ trợ công tác tiếp tục khám phá hành tinh này mà còn đặt nền móng cho các nhiệm vụ trong tương lai khi con người nhắm đến những nơi xa hơn, bao gồm cả sao Hỏa.
Bước tiếp theo sẽ là nhiệm vụ của tàu vũ trụ Thường Nga 8 dự kiến hạ cánh xuống cực nam Mặt Trăng trong năm 2028. Con tàu sẽ mang theo một robot thử nghiệm kỹ thuật in 3D để tạo ra một viên gạch từ đá regolith của Mặt Trăng. Nếu nhiệm vụ này thành công, nó sẽ là tiền đề cho việc hiện thực hóa Trạm nghiên cứu Mặt Trăng quốc tế (ILRS).