Rạng sáng 30/10 (giờ Việt Nam), Trung Quốc phóng tàu vũ trụ Thần Châu 19 (Shenzhou 19) từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc, mang theo 3 phi hành gia lên Trạm vũ trụ Thiên Cung.
Sau khi được phóng lên khoảng 10 phút, tàu Thần Châu 19 tách khỏi tên lửa đẩy Trường Chinh 2F (Long March 2F), đi vào quỹ đạo được chỉ định. Không có bất kỳ sự cố nào xảy ra trong quá trình phóng.
Dự kiến, tàu Thần Châu 19 sẽ cập bến tại Trạm vũ trụ Thiên Cung khoảng 6,5 giờ sau khi phóng.
Theo Lin Xiqiang, người phát ngôn của cơ quan quản lý các chuyến bay vũ trụ có người lái của Trung Quốc (CMSA), các phi hành gia dự kiến sẽ thực hiện tổng cộng 86 thí nghiệm khoa học trong thời gian 6 tháng trên quỹ đạo.
Trọng tâm là các lĩnh vực khoa học sự sống trong không gian, vật lý cơ bản về vi trọng lực, khoa học vật liệu không gian, y học không gian và các công nghệ không gian mới.
Những lĩnh vực này bao gồm phân tích cấu trúc về sự phát triển của tinh thể protein và động lực học không cân bằng của vật chất mềm trong điều kiện vi trọng lực.
Bên cạnh đó, phi hành đoàn 3 người cũng sẽ tham gia một số hoạt động diễn ra bên ngoài tàu vũ trụ, hay còn có tên gọi chuyên môn là đi bộ ngoài không gian.
Thần Châu 19 là sứ mệnh có phi hành đoàn thứ 8 của Trung Quốc hướng tới trạm vũ trụ Thiên Cung. Tiền đồn quỹ đạo hình chữ T gồm 3 mô-đun được xây dựng từ năm 2021, hoàn tất vào năm 2022.
Trung Quốc có ý định giữ cho Trạm Thiên Cung có kích thước bằng khoảng 20% Trạm Vũ trụ quốc tế ISS, đồng thời luôn có người ở và hoạt động trong ít nhất một thập kỷ.
Nước này cũng muốn mở rộng trạm vũ trụ bằng các mô-đun mới, hướng đến các hoạt động thương mại, điển hình là du lịch không gian.
Trong số 3 phi hành gia tham gia sứ mệnh Thần Châu 19, có đến 2 người thuộc thế hệ 9X, là Wang Haoze và Song Lingdong. Bởi lẽ đó, truyền thông địa phương gọi đây là phi hành đoàn trẻ nhất từ trước tới nay.
Wang đồng thời là nữ kỹ sư du hành vũ trụ duy nhất tại Trung Quốc.