Khoa học - Công nghệ

Vật thể kỳ lạ có kích thước bằng Trái Đất xuất hiện trên Sao Mộc

Vật thể kỳ lạ có kích thước bằng Trái Đất xuất hiện trên Sao Mộc - 1

Vật thể kỳ lạ có kích thước bằng Trái Đất xuất hiện trên Sao Mộc - 1

Vật thể kỳ lạ xuất hiện dưới dạng một lốc xoáy khổng lồ khi quan sát bằng ánh sáng cực tím bởi Kính viễn vọng Không gian Hubble (Ảnh: UC Berkeley).

Là hành tinh lớn nhất trong Hệ Mặt Trời, Sao Mộc vẫn ẩn chứa nhiều bí ẩn mà đến nay khoa học chưa thể lý giải.

Bằng cách quan sát Sao Mộc từ Kính viễn vọng Không gian Hubble trong nhiều năm, các nhà nghiên cứu đã phát hiện sự xuất hiện của những hình bầu dục tối ở cực nam và cực bắc của hành tinh này.

Chúng tạo ra các luồng xoáy khổng lồ hấp thụ tia cực tím, mỗi luồng có kích thước ngang bằng Trái Đất, biểu hiện dưới dạng hình bầu dục tối màu và có thể nhìn thấy dưới dạng sương mù dày đặc tại tầng bình lưu của Sao Mộc.

Nhưng không ai biết những vật thể kỳ lạ này đến từ đâu.

Mãi tới nay, các nhà khoa học hành tinh tại Đại học California, Berkeley, mới chính thức giải mã được chúng.

Họ cho rằng đây là các cơn lốc xoáy từ trường, sinh ra do quá trình ma sát giữa các từ quyển trong từ trường cực mạnh của Sao Mộc.

Giống như trên Trái Đất, từ trường của Sao Mộc hội tụ tại các cực, sau đó đẩy các hạt mang điện tích về nơi chúng va chạm với các phân tử tại bầu khí quyển, để tạo ra cực quang.

Khác với Trái Đất, cực quang trên Sao Mộc chỉ có thể phát hiện được bởi ánh sáng UV, nên sẽ không giống với màn trình diễn đầy màu sắc mà chúng ta thường thấy trên bầu trời Trái Đất.

Tuy nhiên, việc có một hiện tượng thoáng qua như các hình bầu dục tối xuất hiện ở các cực của Sao Mộc cho thấy mối liên quan đến từ trường của hành tinh này, giống như cực quang vậy.

Tom Stallard, nhà khoa học hành tinh tại Đại học Northumbria, Anh, cho rằng tại tầng điện ly của Sao Mộc, thường xuyên xảy ra sự hình thành các xoáy từ, và chúng xoáy sâu xuống tầng bình lưu của Sao Mộc.

Những cơn xoáy từ này sau đó sẽ khuấy động các hạt khí dung trong tầng khí quyển thấp hơn, tạo ra một mảng sương mù dày đặc hình lốc xoáy, sau đó hấp thụ tia cực tím để tạo thành hình bầu dục màu tối.

Điều này cũng cho thấy vật thể kỳ lạ có khả năng được hình thành do động lực xoáy, chứ không phải phản ứng hóa học gây ra bởi các hạt năng lượng từ tầng khí quyển.

Mặc dù con người đã quan sát và nghiên cứu Sao Mộc trong hơn 2.000 năm, nhưng hành tinh này vẫn nằm trong “vùng bí ẩn” với nhân loại.

Khoảng cách gần nhất của Trái Đất và Sao Mộc được ghi nhận là 587 triệu km. Trong khi đó, khoảng cách xa nhất là 980 triệu km.

Cho tới nay, chỉ có hai tàu vũ trụ thăm dò từng du hành đến Sao Mộc và dừng lại ở đó. Chúng là các tàu vũ trụ Galileo và Juno. Tàu Galileo phải mất hơn 6 năm để chạm tới quỹ đạo của Sao Mộc, trong khi tàu Juno thực hiện được điều tương tự trong khoảng thời gian gần 5 năm.

Shares:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *