Nếu như con người chưa thể “thuộc địa hóa” thế giới ngoài hành tinh, thì vi khuẩn đã nhanh tay làm điều đó trước chúng ta.
Theo Space, mẫu vật từ tiểu hành tinh Ryugu được thu thập bởi tàu vũ trụ Hayabusa2 của Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đã bị “xâm chiếm” trước khi các nhà nghiên cứu có thể phân tích kỹ hơn về nó.
“Hung thủ” không đâu khác, chính là những vi khuẩn sống dạng sợi, rất phổ biến trong môi trường đất và đá trên Trái Đất.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, trong vòng 1 tuần sau khi đưa mẫu vật vào bầu khí quyển của Trái Đất, 11 vi khuẩn đã có mặt trên bề mặt của nó. Chỉ một tuần sau, số lượng những “kẻ định cư” đã tăng lên 147.
“Thật ngạc nhiên khi tìm thấy vi khuẩn trong mẫu đá ngoài hành tinh”, Matthew Genge, trưởng nhóm nghiên cứu từ Đại học Hoàng gia London, cho biết.
“Chúng tôi thường làm sạch các mẫu thiên thạch và vi khuẩn hiếm khi xuất hiện trên chúng. Tuy nhiên, chỉ cần một bào tử vi khuẩn là đủ để gây ra sự xâm chiếm”.
Mặc dù những kết quả này không thực sự cho chúng ta biết bất cứ điều gì về sự sống ngoài Trái Đất, nhưng nó cho thấy khả năng phát triển và sức chịu đựng của các dạng sống trên Trái Đất, đặc biệt là vi sinh vật.
Những phát hiện này cũng có ý nghĩa đối với những tác động mà tàu vũ trụ, xe tự hành, hoặc các vật thể thám hiểm gây ra trên các hành tinh mà chúng ghé thăm.
“Vi sinh vật có thể dễ dàng chuyển hóa và tồn tại trên các vật liệu ngoài Trái Đất”, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh. “Điều này có thể mở ra những khám phá mới về ô nhiễm môi trường không gian. Nó cũng cho thấy các vi sinh vật trên cạn có khả năng xâm chiếm nhanh chóng”.
Tàu vũ trụ Hayabusa2 tiếp cận tiểu hành tinh Ryugu vào tháng 6/2018. Tàu sau đó đã dành 1 năm để nghiên cứu tiểu hành tinh có đường kính khoảng 900 mét, trước khi đào qua lớp bề mặt của tiểu hành tinh này và lấy mẫu.
Mẫu vật “vô giá” này đã được trả về Trái Đất vào tháng 12/2020, nhưng tới nay nhóm sứ mệnh vẫn tiếp tục nghiên cứu về nó.