Vi nhựa, một hệ quả của rác thải và ô nhiễm môi trường, đang trở thành mối đe dọa toàn cầu, đặc biệt là đối với các sinh vật sống dưới nước.
Một nghiên cứu mới đây tại vùng Tây Bắc Thái Bình Dương, khu vực nổi tiếng với nguồn hải sản phong phú, đã chỉ ra rằng các hạt vi nhựa đã thâm nhập vào mô ăn được của hầu hết các loài cá và động vật có vỏ được thu thập tại đây.
Kết quả của nghiên cứu chỉ rõ, trong số 182 mẫu hải sản được đánh bắt tại bờ biển Oregon hoặc mua ở các chợ địa phương, chỉ có 2 mẫu không chứa hạt vi nhựa trong mô tế bào.
Các mẫu còn lại, bao gồm cá rô đại dương, cá mú bông, cá hồi Chinook, cá trích, cá mút đá, tôm hồng… đều chứa các hạt nhân tạo, bao gồm sợi nhuộm từ vải bông, cellulose từ giấy và bìa cứng, cùng các hạt nhựa siêu nhỏ.
Nhà sinh thái học Susanne Brander từ Đại học Bang Oregon bày tỏ lo ngại về việc các hạt vi nhựa và sợi tổng hợp có thể di chuyển từ thành ruột vào các mô khác như mạch máu, cơ bắp.
Bà cho rằng hiện tượng này không chỉ ảnh hưởng đến các loài sinh vật khác mà còn tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe con người.
Nhà sinh thái học Elise Granek từ Đại học Bang Portland nhận định: “Những gì chúng ta thải ra môi trường sẽ quay trở lại trên bàn ăn của chúng ta.”
Nghiên cứu chỉ ra rằng tôm hồng là loài có nồng độ vi nhựa cao nhất trong cơ thể, đặc biệt là những mẫu bắt ngoài tự nhiên. Nguyên nhân có thể đến từ việc chúng sống ở tầng nước trên, nơi nhựa nổi và sinh vật phù du tập trung với mật độ cao.
Trong khi đó, khi so sánh tôm tươi với tôm mua tại cửa hàng, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng tôm bán trong cửa hàng chứa nhiều sợi, mảnh và màng nhựa hơn, có khả năng do bao bì nhựa.
Các nghiên cứu trước đó cũng đã ghi nhận rằng những người ăn nhiều hải sản, đặc biệt là các loài động vật hai mảnh vỏ như hàu hay vẹm, có xu hướng tích tụ nhiều vi nhựa hơn trong cơ thể. Tuy nhiên, tác hại cụ thể của những hạt vi nhựa này tới sức khỏe con người vẫn chưa được làm rõ.