Khoa học - Công nghệ

Vì sao cung nữ thời xưa đều khó sinh con?

Vì sao cung nữ thời xưa đều khó sinh con? - 1

Vì sao cung nữ thời xưa đều khó sinh con? - 1

Cung nữ có nhiều “nỗi khổ riêng”, khiến họ đối mặt với tình cảnh không thể sinh con sau khi rời cung (Ảnh: Sohu).

Nhiều người tới nay vẫn cho rằng, các cung nữ được tuyển chọn vào cung để có một cuộc sống xa hoa và đầy đủ hơn so với phần đông người lao động thuộc xã hội phong kiến.

Tuy nhiên, theo Sohu, các cung nữ Trung Quốc thời xưa có nhiều “góc khuất”, trái ngược với vẻ hào nhoáng mà ta thường thấy trong các bộ phim dã sử. Một trong số đó là đối mặt với tình cảnh không thể có con sau khi rời cung, hoặc khi được hoàng đế tuyển làm phi tần.

Cường độ làm việc, áp lực tinh thần

Công việc của các cung nữ trong cung thường vô cùng vất vả. Họ được yêu cầu phải luôn sẵn sàng túc trực để phục vụ các thành viên của hoàng gia bất kể ngày hay đêm, đến nỗi hầu như không được nghỉ ngơi. Việc đứng, đi lại và làm việc trong thời gian dài mỗi ngày khiến cơ thể họ kiệt sức.

Hơn nữa, trong cung có rất nhiều quy định. Nếu không cẩn thận, các cung nữ có thể phải đối mặt với sự trừng phạt nghiêm khắc, điều này gây áp lực rất lớn về mặt tinh thần cho họ, những người vốn dĩ là “phái yếu”.

Dưới áp lực cả về thể chất lẫn tinh thần ở cường độ cao như vậy trong thời gian dài, các cung nữ đa phần đều gặp tình trạng rối loạn nội tiết trong cơ thể, rất dễ mất cân bằng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Môi trường sống khắc nghiệt

Môi trường sống trong cung không phải nơi nào cũng lộng lẫy, đầy đủ tiện nghi như nhiều người vẫn lầm tưởng. Mặc dù điều này có thể đúng nếu nói về nơi ở của hoàng đế và các thành viên thuộc hoàng tộc.

Tuy nhiên, nơi ở của các cung nữ, nô bộc lại hoàn toàn trái ngược: Chật chội, đông đúc và kém thông thoáng. Cộng với lượng người hầu trong cung rất đông, nên các loại bệnh tật dễ sinh sôi.

Hơn nữa, đồ ăn của cung nữ thường cũng không được đảm bảo tốt. Với nguồn thực phẩm hạn chế, họ chỉ có thể nhận được nguồn cung cấp cơ bản và chế độ dinh dưỡng thiếu cân bằng.

Sống trong môi trường khắc nghiệt như vậy lâu ngày sẽ làm giảm sức đề kháng của cơ thể, dễ mắc các bệnh khác nhau, điều này cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Không chỉ vậy, các cung nữ một khi bước vào cung điện, sẽ gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài. Họ không thể yêu hay kết hôn một cách tự do, khiến cảm xúc bị đè nén trong thời gian dài.

Điều này dẫn tới trạng thái cảm xúc cô đơn và chán nản, và gây tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần.

Chịu đựng sự ngược đãi

Vì sao cung nữ thời xưa đều khó sinh con? - 2

Ngay cả khi được hoàng đế “sủng ái”, các cung nữ rất khó thay đổi được số phận (Ảnh minh họa: Sohu).

Là phận “thấp hèn” nhất chốn cung đình, các cung nữ thường xuyên phải chịu đựng nhiều hành vi ngược đãi và gây thương tích. Một số thái giám và phi tần có thể “thẳng tay” đánh đập, mắng mỏ các cung nữ lúc có tâm trạng không tốt. Ngay cả trong các cuộc tranh luận đúng sai, các cung nữ cũng có thể trở thành nạn nhân vô tội.

Nếu một cung nữ có ngoại hình xinh đẹp, họ sẽ càng chịu nhiều ngược đãi vì thu hút sự chú ý của nam nhân, thậm chí là hoàng đế. Điều này khiến họ đón nhận những hành vi lạm dụng và gây thương tích có chủ đích, đặc biệt là tổn thương ở cơ quan sinh dục, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Trong lịch sử từng ghi nhận có một số cung nữ xinh đẹp, được hoàng đế sủng ái và tuyển làm phi tần. Tuy nhiên, các cung nữ này cũng thường không hạ sinh được hoàng tử cho vua, vì chịu thêm nhiều sự ngược đãi từ hoàng hậu và các phi tần khác.

Sohu cho biết, không phải ngẫu nhiên mà phần lớn các cung nữ thời xưa đều bị vô sinh sau khi rời chốn cung đình. Đó là hệ quả của nhiều nguyên nhân, từ công việc cường độ cao và áp lực tinh thần, môi trường sống khắc nghiệt, cũng như luôn đối mặt nguy cơ bị lạm dụng và tổn thương cơ thể.

Số phận của họ phản ánh sự tàn ác, bất lực của xã hội phong kiến.

Shares:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *