Báo cáo từ Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) mới đây công bố cho thấy, Việt Nam tiếp tục phát hiện nhiều loài động – thực vật quý hiếm chưa từng có trên thế giới với 112 loài.
Dưới đây là một số loài nổi bật.
Chuột chù Phan Xi Păng
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra loài chuột chù Phan Xi Păng (tên khoa học: Uropsilus Fansipanensis) khi đang tiến hành nghiên cứu thực địa trên sườn núi Phan Xi Păng (thuộc Vườn quốc gia Hoàng Liên), ở độ cao gần 3.000m so với mực nước biển.
Đây không chỉ là lần đầu tiên chuột chù này được ghi nhận ở Việt Nam, qua kiểm tra kỹ lưỡng và xét nghiệm phân tử cho thấy đây là loài chưa từng được biết đến.
Chúng được tìm thấy ở độ cao lớn trên khắp phần mở rộng về phía đông nam của dãy Himalaya ở Trung Quốc và Myanmar, việc phát hiện ở Việt Nam đã đánh dấu địa điểm phạm vi phân bố của chúng tới cực nam.
Phân họ chuột chù chỉ có một chi duy nhất (Uropsilus), chuột chù Phan Xi Păng là loài thứ chín được phát hiện.
Chúng dài 14cm, có đuôi dài 6cm và chỉ nặng 8g; trên lưng có màu nâu đỏ, phần còn lại có màu xám, đuôi màu xám đen phủ đầy vảy nhỏ và một vài sợi lông ngắn.
Mặc dù chúng mang vẻ ngoài tương tự như họ hàng, nhưng có sự khác biệt đáng chú ý về cấu trúc xương và biến thể di truyền; chính vì thế đây là một loài riêng biệt.
Cũng giống như các vùng đảo thường có các loài đặc hữu, những ngọn núi cao có thể tạo thành “các đảo trên trời” – nơi các quần thể bị cắt đứt khỏi nhau và động vật tiến hóa thành các loài riêng biệt.
Phan Xi Păng là ngọn núi cao nhất Đông Dương, chính sự cô lập về mặt địa lý này đã khiến loài chuột chù Phan Xi Păng tách khỏi họ hàng của nó.
Nhím ma cà rồng
Nhím ma cà rồng (tên khoa học: Hylomys Macarong) là thành viên của họ nhím – có nguồn gốc ở nước ta, nhưng chúng được mô tả chính thức từ một mẫu vật được tìm thấy cách xa hàng nghìn dặm tại Washington DC, trong bộ sưu tập của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Smithsonian.
Loài này được xác định là một loài mới – như một phần của nỗ lực quốc tế nhằm sửa đổi phân loại của loài gymnure nhỏ hơn.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng các kỹ thuật giải trình tự gen hiện đại để nghiên cứu các mẫu vật từ các bộ sưu tập của bảo tàng từ 6 quốc gia có niên đại từ những năm 1930.
Trước đó, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Trung tâm nghiên cứu Nga – Việt cũng đã nghiên cứu 2 loài nhím trong khu vực và nghi ngờ rằng một mẫu vật họ thu thập được ở miền Nam nước ta vào năm 2009 là một loài mới.
“Chúng tôi đã tìm thấy loài đặc biệt này ở Việt Nam hơn 10 năm trước, nhưng chúng tôi đã mất quá nhiều thời gian để tìm hiểu về nó”, Tiến sĩ Alexei Abramov, Viện Động vật học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga than thở.
Nhóm của ông đã thu thập được một số mẫu vật sẽ giúp làm sáng tỏ các đặc điểm và sự phân bố của loài này.
“Việc xác định một loài động vật có vú mới chỉ được biết đến ở phía Nam dãy Trường Sơn và là kết quả của hàng triệu năm tiến hóa cũng giống như việc đưa một bức tranh của danh họa Picasso vào một phòng trưng bày nghệ thuật hoặc phát hiện ra một địa điểm khảo cổ trong một thành phố”, Tiến sĩ Abramov bày tỏ.
Tắc kè chân lá Gia Lai
Các nhà nghiên cứu khảo sát các loài bò sát tại Việt Nam đã tìm thấy loài tắc kè mới, phân bố tại khu vực Tây Nguyên.
Tắc kè chân lá Gia Lai (tên khoa học: Dixonius Gialaiensis) có chiều dài lên đến 15cm, da của chúng được bao phủ bởi những hàng gai gồ ghề chạy dọc sống lưng.
Ở loài vật này, con đực có màu xanh ô liu và nâu đi kèm các đốm đen trên da; trong khi con cái có màu cam nhạt hơn với các đốm nâu sẫm.
Đây là loài tắc kè chân lá được phát hiện vào năm 2023, họ hàng gần nhất của nó là Dixonius minhlei, cũng là loài đặc hữu của nước ta, chỉ mới được phát hiện vào năm 2016.
Theo các nhà nghiên cứu, các loài chị em chúng sống ở các dãy núi khác nhau và được ngăn cách bởi sông Đồng Nai; ước tính chúng đã tách ra khỏi nhau khoảng 3,2 triệu năm trước.
Trong thời gian dài, các quần thể bị tách biệt khỏi nhau có thể khiến chúng phát triển các đặc điểm khác nhau và cuối cùng tiến hóa thành các quần thể riêng biệt.
Ngày nay, tình trạng mất môi trường sống và sự phân mảnh đang đe dọa đến sự tồn tại của chúng – đặc biệt là đối với các loài như tắc kè chân lá Gia Lai – cho đến nay chỉ được tìm thấy ở một địa điểm duy nhất.
Rắn H’Mong
Trong khi tiến hành khảo sát về động vật lưỡng cư và bò sát trên núi Phan Xi Păng, tại một địa điểm cao 2.800m so với mực nước biển, đèn chiếu sáng của nhà nghiên cứu Nguyễn Thành Luân bị hỏng.
Hai người dân địa phương đi hỗ trợ hậu cần đã giúp ông quay trở lại thị trấn gần đó để sửa chữa.
Trên đường quay trở lại, họ phát hiện một con rắn đực rất đẹp; ngay từ cái nhìn đầu tiên, ông đã nghĩ đó là một loài lạ.
Con rắn này thuộc chi Rhabdophis, được gọi là rắn keelback (tên khoa học: Rhabdophis hmongorum) vì vảy của chúng có gờ.
Phân tích hình thái và phân tử cho thấy, đây thực sự là một loài chưa từng được mô tả trước đây, mặc dù nó được phát hiện có đặc điểm di truyền giống hệt với một mẫu vật chưa xác định được thu thập ở Vân Nam, Trung Quốc.
Cho đến nay, đây là hai mẫu vật duy nhất được ghi nhận.
Các nhà nghiên cứu đặt tên cho loài mới này là Rhabdophis hmongorum hay H’mong keelback, để vinh danh hai người dân địa phương đã tìm thấy nó – họ là người dân tộc thiểu số H’mong, sinh sống tại Tây Bắc nước ta; cũng như ở miền nam Trung Quốc, Lào và một số vùng phía bắc Thái Lan.
Hiện Việt Nam có ít dữ liệu về tình trạng bảo tồn của loài mới này và chúng đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa.
Khu rừng nơi loài này được tìm thấy đang bị suy thoái do hoạt động thu gom củi đốt và chăn thả gia súc.
Bên cạnh đó, việc tìm thấy chúng ở độ cao 2.600m trên núi Phan Xi Păng, loài này cũng có thể dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, vì các loài bị giới hạn ở độ cao lớn có ít cơ hội di chuyển đến vùng đất cao khi môi trường sống của chúng ấm hơn.
Mặc dù rắn H’mông không nguy hiểm đối với con người, nhưng những người dân bản địa thường giết chúng và cả những loài rắn khác khi bắt gặp.
Kỳ nhông cá sấu
Loài kỳ nhông cá sấu (tên khoa học: Tylototriton ngoclinhensis) tuyệt đẹp này có màu sắc rực rỡ với đầu màu cam sáng đi cùng một sọc màu cam dọc sống lưng và 14 đốm mụn cóc (cũng màu cam sáng) chạy dọc hai bên cơ thể.
Nó được các nhà nghiên cứu phát hiện vào tháng 5/2022 trong quá trình thực địa tại khu bảo tồn thiên nhiên núi Ngọc Linh (Tây Nguyên).
Loài mới này thuộc chi Tylototriton – được gọi là kỳ nhông cá sấu vì chúng có hình dạng giống cá sấu thu nhỏ.
Trong 3 năm qua, 12 loài mới đã được ghi nhận từ Trung Quốc, Thái Lan và miền bắc Việt Nam, nhưng chưa bao giờ phát hiện ở xa về phía nam nước ta và độ cao như vậy.
Quần thể kỳ nhông cá sấu gần nhất được biết đến ở tỉnh Khammouane của Lào.
Theo các nhà nghiên cứu, đây là một khám phá đặc biệt vì đây là một trong những loài có màu sắc sặc sỡ nhất trong chi Tylototriton. Đây cũng là lần đầu tiên một loài kỳ nhông cá sấu được ghi nhận ở Tây Nguyên Việt Nam.
Chúng phân bố ở độ cao từ 1.800m đến 2.300m so với mực nước biển, phát hiện này lập kỷ lục về độ cao cho chi này tại nước ta – phạm vi phân bố trước đây là từ 250m đến 1.740m.
Với độ ẩm cao, lượng mưa và độ che phủ của mây, núi Ngọc Linh là “điểm nóng” về đa dạng động vật lưỡng cư, với nhiều loài đặc hữu.
Hiện Tây Nguyên là nơi sinh sống của ít nhất 130 loài lưỡng cư, nhiều loài trong số đó chỉ mới được phát hiện gần đây.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, kỳ nhông cá sấu Ngọc Linh nên được liệt kê là loài có nguy cơ tuyệt chủng, vì loài này có khả năng phạm vi phân bố rất hạn chế và môi trường sống của chúng đang bị đe dọa.
Màu sắc rực rỡ của kỳ nhông cá sấu khiến chúng trở nên hấp dẫn đối với những người thích sưu tầm, mặc dù việc buôn bán quốc tế tất cả các loài Tylototriton đều bị cấm theo Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (CITES).
Lan sao biển
Tên khoa học của chúng là Chiloschista quangdangii, mặc dù loài này chỉ mới được mô tả vào năm ngoái, nhưng nó có thể đã phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng sắp xảy ra.
Cho đến nay, loài này chỉ được biết đến ở một địa điểm duy nhất gần làng Lũng Mười (Văn Lãng, Lạng Sơn).
Các mẫu vật đã được thu thập và bán tại chợ địa phương cho thấy quần thể duy nhất được biết đến đang bị suy giảm đáng kể. Các nhà nghiên cứu khuyến nghị loài này nên được liệt kê vào nhóm cực kỳ nguy cấp.
Chiloschista còn được gọi là hoa lan sao biển, loài thực vật biểu sinh nhỏ (mọc trên bề mặt của các loài thực vật khác) với những bông hoa rủ xuống.
Chúng quang hợp và hấp thụ chất dinh dưỡng qua rễ, đây là đặc điểm phổ biến ở các loài hoa lan biểu sinh; phát hiện mới nhất đưa số lượng loài trong chi này lên 29.
Hoa lan sao biển có hoa màu vàng với các đốm màu cam sẫm.
Balanites Vietnam
Balanites thuộc họ Caltrop (Zygophyllaceae), là một chi thực vật có hoa bao gồm các cây gỗ nhỏ và cây bụi thích nghi cao với điều kiện khô hạn.
Trong quá trình kiểm kê hệ thực vật bán khô hạn tại Vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận), các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra hai quần thể của loài Balanites – một loại cây bụi có gai cao 5 mét, tạo ra những quả hạch mỏng dài tới 5cm.
So sánh chặt chẽ với các mẫu vật Balanites khác đã tiết lộ đây là một loài mới.
Loài mới này được phân loại là loài cực kỳ nguy cấp vì nó được biết đến chỉ có hai quần thể rất nhỏ với chưa đến 100 cá thể.
Môi trường sống thảo nguyên của nó đã giảm khoảng 90% trong 40 năm qua do sự mở rộng nông nghiệp, mặc dù Vườn quốc gia Núi Chúa gần đây đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển vì hệ sinh thái độc đáo của nó – khu vực này có lượng mưa thấp nhất ở Đông Nam Á (dưới 700mm mỗi năm) và có độ ẩm thấp nhất nước ta.
Người dân địa phương thường sử dụng Balanites làm thực phẩm, thuốc do tính chất hóa học của chúng có nhiều công dụng tiềm năng.
Nghiên cứu sâu hơn về loài mới của Việt Nam có thể tiết lộ cơ hội sử dụng bền vững và bảo tồn loài này.