Theo một báo cáo khoa học được xuất bản trên tạp chí Zootaxa, các nhà khoa học và sinh vật học đến từ nhiều quốc gia bao gồm Việt Nam, Mỹ, Bỉ, Nga, Pháp và Đức đã có những nghiên cứu về dữ liệu hình thái, sinh học và di truyền của loài rắn khuyết khoanh Mã Lai (còn có tên rắn sói sọc Mã Lai, tên khoa học Lycodon subcinctus).
Thạc sĩ Nguyễn Văn Tân, cán bộ nghiên cứu Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), người chịu trách nhiệm chính cho dự án nghiên cứu này, cho biết loài rắn khuyết khoanh Mã Lai đã từng có lịch sử phân loại và danh pháp phức tạp.
Dựa vào những mẫu vật thu thập được của rắn khuyết khoanh Mã Lai trên khắp khu vực Đông Nam Á, các nhà khoa học đã công nhận sự hiện diện của một loài rắn mới có tên gọi khuyết khoanh Đông Dương (tên khoa học Lycodon neomaculatus).
Loài rắn khuyết khoanh Đông Dương có những đặc điểm khác biệt so với các loài rắn khuyết khác như khuyết khoanh Mã Lai hay khuyết khoanh sealei ở cấu tạo vảy và các mẫu hoa văn trên da.
Rắn khuyết khoanh Đông Dương được phân bố tại khu vực miền đông nam Trung Quốc, đảo Hải Nam, Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam. Tại Việt Nam, loài rắn này được phân bố rộng trên khắp cả nước.
Loài rắn này sống chủ yếu ở những khu rừng mưa nhiệt đới, rừng nguyên sinh hoặc thứ sinh, các vùng bụi rậm hoặc những khu vực có con người sinh sống như ruộng lúa, đồn điền, nhà bỏ hoang… Loài rắn này thường hoạt động vào ban đêm hoặc sáng sớm. Vào ban ngày, rắn khuyết khoanh Đông Dương thường ẩn náu dưới các hòn đá, gốc cây, mảnh gỗ hoặc ẩn mình trong thảm thực vật.
Rắn khuyết khoanh Đông Dương cũng có khả năng leo trèo giỏi, thường leo lên các cây lớn như cao su, cafe… Thức ăn chủ yếu của loài rắn này là thằn lằn, chim nhỏ, các loài động vật lưỡng cư như ếch, nhái…
Do rắn khuyết khoanh Đông Dương là loài thuộc chi rắn khuyết (còn gọi là rắn sói, tên khoa học Lycodon), thuộc họ rắn nước, do vậy đây là loài rắn không sở hữu nọc độc và vô hại với con người.
Tuy nhiên, đặc điểm của các loài thuộc chi rắn khuyết đó là chúng sở hữu cơ thể với các khoanh đen, trắng xen kẽ, điều này khiến các loài rắn khuyết thường bị nhầm lẫn với cạp nong, loài thuộc họ rắn hổ sở hữu nọc độc nguy hiểm chết người.
Do vậy, các loài rắn khuyết thường bị “chết oan” vì không phải người nào cũng có đủ sự bình tĩnh cũng như kiến thức để nhận dạng và phân biệt giữa rắn khuyết vô hại với cạp nia nguy hiểm.
Nhóm nghiên cứu về loài rắn khuyết Đông Dương bao gồm thạc sĩ Nguyễn Văn Tân (Đại học Duy Tân), Justin Lee (Đại học Michigan, Mỹ), Olivier S. G. Pauwels (Viện Khoa học Tự nhiên Hoàng gia Bỉ), Stevie R. Kennedy-Gold (Đại học Harvard, Mỹ), Nikolay Poyarkov (Đại học Quốc gia Moskva, Nga), Patrick David (Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Pháp) và Gernot Vogel (nhà nghiên cứu sinh học độc lập người Đức).